Ung thư vú là một trong những bệnh ung thư phổ biến và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Theo thống kê của dữ liệu Ghi nhận ung thư (Globocan) năm 2020, mỗi năm Việt Nam phát hiện 182.000 ca mới ung thư, trong đó ung thư vú là 21.555 ca.
Các chuyên gia nhận định, xu hướng mắc ung thư vú có chiều hướng gia tăng qua các năm. Do đó, điều cần thiết là phải tăng cường truyền thông về căn bệnh này và những yếu tố nguy cơ của nó.
Tiến sĩ T. Sujit, Chuyên gia Tư vấn Ung thư Bức xạ, Viện Ung thư Quốc gia (Ấn Độ) cho biết: "Việc biết các yếu tố nguy cơ gây bệnh luôn là điều cần thiết vì nó có thể giúp một người đưa ra các lựa chọn sáng suốt hơn về lối sống và các lựa chọn liên quan đến sức khỏe".
1. Ung thư vú có yếu tố di truyền
Tiến sĩ T. Sujit cho biết: Tiền sử gia đình là một trong những nguyên nhân phổ biến góp phần làm tăng nguy cơ ung thư vú. Khoảng 5-10% các trường hợp ung thư vú là do di truyền và gây ra bởi các đột biến di truyền trong gen BRCA1 (gen ung thư vú 1) và BRCA2 (gen ung thư vú 2) được truyền từ cha mẹ sang con cái.
Thông thường, những gen này giúp tạo ra các protein sửa chữa DNA bị hư hỏng trong các tế bào bình thường. Tuy nhiên, các phiên bản đột biến của những gen này có thể dẫn đến sự phát triển tế bào bất thường gây ung thư.
Ông giải thích: BRCA và các đột biến khác có thể được di truyền từ cả cha và mẹ. Nếu người thân cấp độ 1, chẳng hạn như mẹ, chị gái hoặc con gái, bị ung thư vú, nguy cơ gần như tăng gấp đôi, và có 2 người thân cấp độ 1 sẽ tăng nguy cơ lên khoảng 3 lần. Nguy cơ tăng cao hơn nếu nhiều thành viên trong gia đình, từ phía mẹ hoặc bên cha, bị ung thư vú. Do đó, cần có một đánh giá chi tiết về tiền sử bệnh tật của cả hai bên gia đình.
Trong khi ung thư vú được biết là phổ biến hơn ở phụ nữ, nam giới mang đột biến BRCA 1 & 2 có nhiều khả năng bị ung thư vú hơn so với những người đàn ông khác. Tốt hơn hết là bạn nên biết tiền sử sức khỏe gia đình để ngăn ngừa ung thư vú hoặc bất kỳ bệnh ung thư nào khác, hoặc phát hiện sớm hơn khi bệnh có thể điều trị khỏi.
Với những đột biến gen này, nguy cơ phát triển các loại ung thư khác cũng tăng lên, bao gồm ung thư hạch tủy cấp tính, ung thư ống dẫn trứng và ung thư tuyến tụy. Mật độ vú và BMI là một số yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú và được thể hiện dưới dạng các cụm gia đình. Điều này có thể là do sự tương đồng về lối sống và di truyền giữa các thành viên trong gia đình.
2. Thay đổi lối sống giúp ngăn ngừa ung thư vú
Theo Tiến sĩ T. Sujit, các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú bao gồm: lối sống ít vận động, hút thuốc và uống rượu ở phụ nữ, tiếp xúc với môi trường, các yếu tố nội tiết tố ngoại sinh (liệu pháp thay thế hormone và sử dụng thuốc tránh thai), yếu tố kinh nguyệt (mãn kinh sớm hoặc mãn kinh muộn), các yếu tố sinh sản (sinh con muộn, song thai), tiêu thụ quá nhiều đồ uống có ga và thức ăn nhanh, béo phì và lười vận động.
Mặc dù không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư vú nhưng có những cách giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Một trong những điều quan trọng nhất là phát hiện sớm, đây là chìa khóa để ngăn ngừa tử vong liên quan đến ung thư vú.
Tự kiểm tra vú giúp phát hiện bất kỳ bất thường nào như một khối u hoặc sưng quanh vú, xương đòn hoặc nách. Chụp X-quang tuyến vú thường xuyên sẽ giúp phát hiện thêm các khối u cực nhỏ và đưa đến kết quả chẩn đoán ở giai đoạn đầu - vị chuyên gia này đề xuất.
Thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá và rượu sẽ giúp giảm nguy cơ ung thư vú. Các biện pháp phòng ngừa khác như tập thể dục hoặc tăng cường vận động hàng ngày, duy trì cân nặng tối ưu, thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng và tránh ăn vặt sẽ giúp ngăn ngừa ung thư vú. Tiến sĩ Sujit lưu ý thêm, luôn thảo luận với bác sĩ về rủi ro của các biện pháp tránh thai và liệu pháp hormone sau mãn kinh.
Theo suckhoedoisong.vn