|
|
Kinh nguyệt có làm suy giảm hệ miễn dịch không. Ảnh: Theo Healthshots. |
Hệ miễn dịch là gì?
Hệ miễn dịch (Immune System) là hệ thống bao gồm các tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể con người đóng vai trò bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi rút, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng và các kháng nguyên lạ gây bệnh từ bên ngoài.
Nếu không có hệ thống miễn dịch hoặc hệ miễn dịch bị suy yếu, các tác nhân gây bệnh dễ dàng tấn công khiến cơ thể có nguy cơ mắc bệnh cao. Vì vậy, hệ miễn dịch mạnh giúp cơ thể bạn hạn chế bệnh và khỏe mạnh hơn.
Kinh nguyệt có làm suy yếu hệ miễn dịch không?
Bản thân kinh nguyệt không làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Nhưng những thay đổi về hormone trong chu kỳ kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch. Theo một nghiên cứu được công bố trên Archives of Gynecology and Obstetrics, hormone sinh dục progesterone dao động trong suốt chu kỳ kinh nguyệt và có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Mucosal Immunology cho thấy, progesterone có thể làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể.
Dưới đây là mối liên hệ giữa chu kỳ kinh nguyệt và khả năng miễn dịch:
- Trong thời kỳ kinh nguyệt, nồng độ estrogen và progesterone thường thấp. Điều này làm giảm chức năng miễn dịch và trong giai đoạn này, phụ nữ dễ có khả năng bị nhiễm trùng hơn.
- Trong giai đoạn nang trứng, xảy ra sau kỳ kinh nguyệt, nồng độ estrogen bắt đầu tăng. Estrogen có tác dụng kích thích miễn dịch, thúc đẩy tạm thời chức năng miễn dịch.
- Rụng trứng, xảy ra vào khoảng giữa chu kỳ, lúc này nồng độ estrogen đạt đỉnh. Sự gia tăng estrogen có thể tăng cường thêm chức năng miễn dịch, bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng.
- Sau khi rụng trứng, trong giai đoạn hoàng thể, nồng độ progesterone tăng lên trong khi nồng độ estrogen giảm. Progesterone có tác dụng ức chế miễn dịch, nghĩa là nó có thể làm giảm phản ứng miễn dịch. Vì vậy, chức năng miễn dịch có thể bị ức chế phần nào trong giai đoạn này, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở phụ nữ.
Theo laodong