Tờ Financial Times dẫn lời Tổng giám đốc WHO cho biết 8 ca bệnh nhiễm virus Marburg đã được ghi nhận tại Tanzania, trong đó 5 người tử vong. Trước đó, Guinea Xích đạo cũng ghi nhận 9 ca bệnh vào tháng 2.
Theo tờ The Guardian , Tanzania đã công bố đợt bùng phát đầu tiên của căn bệnh chết người do virus Marburg (MVD) sau khi 5 trường hợp tử vong và 3 trường hợp khác nhiễm bệnh được báo cáo tại một bệnh viện ở vùng Kagera phía tây bắc đất nước.
Qua theo dõi, WHO đã xác định được khoảng 161 người có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Chính phủ Tanzania đã thành lập một đội phản ứng nhanh tới tiếp ứng. Các nước trong khu vực cũng đã tăng cường giám sát chặt chẽ căn bệnh này. Tuy nhiên, không có trường hợp nào được báo cáo bên ngoài khu vực Kagera.
Giám đốc khu vực châu Phi Matshidiso Moeti của WHO cho biết: "Nỗ lực của các cơ quan y tế Tanzania để tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho thấy sự quyết tâm cao trong việc ứng phó kịp thời đợt bùng phát bệnh. Chúng tôi đang làm việc với chính phủ để nhanh chóng tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus và chấm dứt đợt bùng phát càng sớm càng tốt".
Theo một bản ghi nhớ của Bộ trưởng Y tế Tanzania Ummy Mwalimu ngày 21.3, các bệnh nhân có triệu chứng của căn bệnh được phát hiện lần đầu tiên vào một tuần trước tại 2 ngôi làng ở Kagera.
MVD được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1967 tại thành phố Marburg và Frankfurt (Đức) và thành phố Belgrade (Serbia). Cùng họ với virus Ebola, virus Marburg gây ra sốt xuất huyết nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong dao động từ 24% đến 88%. Đã có một số đợt bùng phát bệnh tại các quốc gia khác trước khi trường hợp đầu tiên tại Tanzania được phát hiện. Tồi tệ nhất là ở Angola vào năm 2004 - 2005, nơi có 252 ca mắc bệnh và 227 trường hợp tử vong.
Ban đầu, virus Marburg được truyền sang người từ loài dơi, sau đó truyền từ người này sang người khác qua chất dịch cơ thể hoặc đồ vật bị phơi nhiễm. Do đó, các thành viên trong gia đình và nhân viên y tế rất dễ bị lây nhiễm.
Thời gian ủ bệnh có thể lên đến 21 ngày. Các triệu chứng của bệnh ban đầu có thể là sốt, buồn nôn và phát ban, sau đó là vàng da và sụt cân nghiêm trọng khi bệnh tiến triển.
Hiện nay, chưa có vắc xin hoặc phương pháp điều trị cụ thể cho loại bệnh này. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết có thể làm giảm các triệu chứng bằng cách bù nước hoặc kiểm soát lượng máu và ôxy của bệnh nhân, từ đó gia tăng cơ hội sống sót.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cũng đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Tại châu lục này, Guinea Xích đạo là quốc gia xác nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên, sau đó Tanzania cũng tuyên bố đang chiến đấu với dịch bệnh chỉ một tháng sau.
Giám đốc CDC châu Phi Ahmed Ogwell Ouma cho biết: "Bệnh truyền nhiễm bùng phát và tái bùng phát là dấu hiệu cho thấy an ninh y tế của châu lục cần được tăng cường để đối phó với các mối đe dọa dịch bệnh. Chúng tôi kêu gọi người dân tiếp tục chia sẻ thông tin kịp thời để chính quyền ứng phó hiệu quả nhất".
Bộ Y tế Tanzania đã kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa nói chung và tuân theo các chỉ thị y tế cho đến khi tình hình được kiểm soát.
Theo Thanh niên