leftcenterrightdel
 Một trang trại gà tại Verona, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 29/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dự án mới nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine sử dụng công nghệ tiên tiến mRNA phòng bệnh cúm gia cầm ở người tại các quốc gia nghèo hơn trên thế giới.

WHO cho biết hãng dược phẩm Sinergium Biotech của Argentina dẫn đầu nỗ lực này và đã bắt đầu phát triển các ứng cử viên vaccine ngừa cúm gia cầm H5N1.

Công ty này đang tiến hành các thử nghiệm và nghiên cứu chứng minh các loại vaccine này hoạt động hiệu quả trên các mô hình tiền lâm sàng.

Sau khi có dữ liệu tiền lâm sàng, Sinergium sẽ chia sẻ công nghệ và tài nguyên để giúp các công ty dược phẩm ở các quốc gia nghèo hơn đẩy nhanh quá trình phát triển và sản xuất vaccine ở trong nước.

Theo WHO, dự án sẽ được triển khai thông qua chương trình chuyển giao công nghệ mRNA mà cơ quan này đã thiết lập với Quỹ sáng chế dược phẩm chung (MPP) do Liên hợp quốc bảo trợ vào năm 2021, giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19.

Chương trình này nhằm mục đích giúp các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tự phát triển và sản xuất vaccine sử dụng công nghệ mRNA.

H5N1 là một chủng virus cúm A, có thể gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở chim và gia cầm.

Virus H5N1 thường lây giữa gia cầm mắc bệnh, tuy nhiên đôi khi có thể lây từ gia cầm sang người. Triệu chứng nhiễm virus là sốt, ho, sổ mũi và viêm đường hô hấp nặng.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nhanh, gây các biến chứng hô hấp nguy hiểm (như Hội chứng rối loạn hô hấp cấp tính - khó thở, thở gấp, viêm phổi) hoặc gây ra những tác động thần kinh như co giật, xuất hiện các trạng thái tâm thần bất thường...

Virus cúm gia cầm được cho là một trong những loại virus có khả năng gây ra đại dịch trong tương lai./.

Theo vietnamplus