Người cao tuổi tại TPHCM đang tăng rất nhanh

Thạc sĩ Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM - cho biết: Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số năm 2011. Đến nay nước ta là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới khi từ năm 2019, tỉ lệ người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) chiếm 11,86% dân số. Dự báo năm 2029, tỉ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16,66% và vào năm 2049 là 26,1%.

Tại TPHCM, người cao tuổi đang tăng rất nhanh, đến hết ngày 1/12/2023 có 1.338.680 người trên 60 tuổi, chiếm tỉ lệ 12,24% dân số. Trong đó, TP Thủ Đức chiếm số lượng người cao tuổi cao nhất với 127.019 người, tiếp theo là quận Bình Thạnh với 95.352 người, quận 12 với 90.731 người…

Mục tiêu chung hiện nay là công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi, đảm bảo thích ứng với quá trình già hóa dân số. Đảm bảo người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ bằng nguồn kinh phí đã được phê duyệt cho mỗi địa phương trong năm 2023. Qua đó, kịp thời phát hiện và quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm, lập hồ sơ khám sức khỏe điện tử, chủ động can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

leftcenterrightdel
 Người cao tuổi đăng ký khám bệnh tại quầy ưu tiên ở Bệnh viện Thống Nhất

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết: tháng 8/2023, thành phố đã triển khai chương trình khám sức khỏe miễn phí cho 17.000 người cao tuổi. Kết quả, hơn một nửa người cao tuổi ghi nhận bị tăng huyết áp, kế đến là các bệnh đái tháo đường, hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Cũng qua các đợt khám bệnh, ngành y tế phát hiện nhiều người cao tuổi còn có dấu hiệu trầm cảm, lo âu… cần được theo dõi, chăm sóc.

Đây là lần đầu tiên TPHCM có ghi nhận chất lượng sống của người cao tuổi, người có dấu hiệu suy yếu, nguy cơ té ngã, phụ thuộc vào người thân trong ăn uống, vệ sinh, di chuyển… Trong khi đó, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi vẫn còn hạn chế về số lượng. Đặc biệt là thiếu một hệ thống các nghiên cứu về xây dựng môi trường y tế thân thiện với người cao tuổi.

“Chính vì thế, nhằm thực hiện có hiệu quả các hoạt động chăm sóc sức khỏe về thể chất, tinh thần cho người cao tuổi, các cơ quan, tổ chức và các nhà nghiên cứu cần có ý kiến đóng góp nhằm nâng cao tính hợp lý trong quá trình xây dựng và triển khai các chính sách dân số, ưu tiên giải pháp thích ứng với quá trình già hóa dân số tại TPHCM” - ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ.

Về hưu vẫn có thể đóng góp cho xã hội

Theo thạc sĩ Nguyễn Quang Việt Ngân - giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - trước thực trạng già hóa dân số, cần có những kế hoạch cải thiện về cơ sở hạ tầng để thích ứng. Mặc dù hạ tầng không gian cho người cao tuổi là thách thức rất lớn cho nhiều quốc gia chứ không riêng ở Việt Nam nhưng chúng ta có thể xem xét một số mô hình thành phố thân thiện với người cao tuổi được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gợi ý. Từ đó chọn lọc một số tiêu chí và tiêu chuẩn đặc thù của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Chẳng hạn, trên các tuyến đường nên có khu vực cho người cao tuổi có thể thuận lợi di chuyển, có dụng cụ hỗ trợ tránh té ngã khi đi bộ, hay không gian công cộng phù hợp để người cao tuổi cùng nhau rèn luyện sức khỏe. Trong chăm sóc người cao tuổi, cần từng bước hoàn thiện hệ thống thông tin truyền thông, đặc biệt là cung cấp thông tin sức khỏe đến người cao tuổi và người thân trong gia đình, tổ chức lực lượng tình nguyện viên, người chăm sóc hỗ trợ người cao tuổi tại cộng đồng.

“Ngoài ra, việc sử dụng người về hưu cũng là một giải pháp hỗ trợ cho người cao tuổi đủ sức khỏe làm việc tăng thu nhập. Trong đó, nhân viên y tế về hưu chăm sóc, thăm khám cho người cao tuổi là một ý tưởng hay. Bởi vì y, bác sĩ nghỉ hưu đã có nhiều kinh nghiệm, có thể giúp người cao tuổi yên tâm hơn và dễ đồng cảm, chia sẻ khi gặp các vấn đề về sức khỏe, tinh thần” - ông Nguyễn Quang Việt Ngân nói thêm.

Đồng quan điểm trên, thạc sĩ Lê Văn Thành - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố - cho biết: hệ thống chính sách hiện nay chưa đạt nhiều hiệu quả trong khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ người cao tuổi để đảm bảo thu nhập, có việc làm phù hợp, cũng như giải trí, rèn luyện sức khỏe… Đa số người về hưu có thu nhập thấp, một bộ phận người cao tuổi vẫn còn phải lao động kiếm sống, cải thiện thu nhập. Bên cạnh đó, trên 70% người lao động tự do không được hưởng bảo hiểm xã hội, tích lũy tiết kiệm ít, hằng ngày vẫn phải bươn chải, chưa tự mình sống đủ bởi không có nguồn thu nhập ổn định và hầu như phụ thuộc vào con cháu cũng như cộng đồng, xã hội.

Vấn đề lớn nhất là tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục làm việc, theo nguyện vọng và điều kiện sức khỏe. Để làm được điều này, cần xóa bỏ định kiến của đa số người dân rằng người cao tuổi không còn sức khỏe, trí lực để làm việc, đây là một sai lầm.

Điển hình, ở nhóm người cao tuổi có kiến thức, kinh nghiệm, nhiều người hiện nay còn là chuyên gia, người lao động trình độ cao trong các ngành nghề, lĩnh vực. “Thực trạng này đòi hỏi cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ nhằm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để người cao tuổi có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển xã hội” - ông Lê Văn Thành nói thêm. 

Ông Lê Văn Thành cho rằng, việc lồng ghép chính sách người cao tuổi vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết để đảm bảo các quyền, lợi ích chính đáng và phát huy vai trò của người cao tuổi. Ông đề xuất ngoài công việc phù hợp, cần có hình thức bảo hiểm tuổi già, bảo hiểm tự nguyện do địa phương quản lý, với các thủ tục dễ dàng, minh bạch. Mức đóng góp ít, bắt đầu từ 40 tuổi để đảm bảo người cao tuổi có thể yên tâm hơn khi tham gia các hoạt động.ê Văn Thành cho rằng, việc lồng ghép chính sách người cao tuổi vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết để đảm bảo các quyền, lợi ích chính đáng và phát huy vai trò của người cao tuổi. Ông đề xuất ngoài công việc phù hợp, cần có hình thức bảo hiểm tuổi già, bảo hiểm tự nguyện do địa phương quản lý, với các thủ tục dễ dàng, minh bạch. Mức đóng góp ít, bắt đầu từ 40 tuổi để đảm bảo người cao tuổi có thể yên tâm hơn khi tham gia các hoạt động.

Theo phụ nữ TPHCM