leftcenterrightdel
 Walaa bế đứa con mới sinh trong một căn nhà dành cho người tị nạn ở Rafah, miền Nam Gaza. (Nguồn: Washington Post)

Thảm họa nhân đạo do chiến dịch quân sự của Israel phát động chống lại phong trào Hồi giáo Hamas ở Gaza kéo dài ba tháng qua đã khiến khoảng 52.000 phụ nữ mang thai nằm trong số những nạn nhân lớn nhất.

Các cuộc không kích đẩy 1,9 triệu người vào một khu vực chật hẹp tại vùng đất Gaza bị bao vây đã khiến bệnh tật lây lan, nạn đói rình rập và mức độ thiếu máu cao đến mức nguy cơ băng huyết sau sinh tăng cao và việc cho con bú thường là không thể.

Theo ước tính của tổ chức quốc tế CARE, 40% trường hợp mang thai tại Gaza phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao.

Dịch vụ chăm sóc trước khi sinh gần như không tồn tại - những gì còn sót lại của hệ thống bệnh viện ở Gaza đang hoạt động với công suất 250% để điều trị cho những người bị thương nặng do các vụ oanh kích của Israel.

Ngày càng có nhiều phụ nữ sinh con bên ngoài các cơ sở y tế - trong các trại tị nạn, thậm chí trên đường phố - hơn là trong các bệnh viện.

Thiệt hại về cơ sở vật chất và dịch vụ điện thoại di động bị gián đoạn đã khiến Bộ Y tế Gaza không thể tổng hợp dữ liệu đáng tin cậy về tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh hoặc bà mẹ trong cuộc xung đột.

Tuy nhiên, các bác sỹ và các nhóm viện trợ cho biết tình trạng sảy thai và thai chết lưu đã tăng vọt.

Lệnh phong tỏa kéo dài 16 năm do Israel và Ai Cập áp đặt sau khi Hamas giành quyền kiểm soát Gaza đã khiến việc mang thai và sinh nở trở nên khó khăn hơn đối với các bà mẹ.

Theo tổ chức Hỗ trợ Y tế cho người dân Palestine, trước cuộc xung đột hiện nay, các bệnh viện thường thiếu trang thiết bị và nhân viên y tế được đào tạo về phụ sản.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết gần 20.000 trẻ em đã được sinh ra ở Gaza trong 105 ngày đầu tiên của cuộc xung đột. Theo tổ chức này, sự chậm trễ trong việc cung cấp vật tư y tế đã khiến một số bệnh viện thực hiện sinh mổ mà không gây mê.

leftcenterrightdel
 Walaa không biết tìm đâu sữa bột và tã bỉm cho đứa con mới sinh được 5 ngày của mình. (Nguồn: Washington Post)

Trong một căn lều tạm, các nhân viên cứu trợ treo ga trải giường để người phụ nữ đang sinh có chút riêng tư. Họ cắt dây rốn của đứa bé bằng một con dao mổ không được khử trùng và múc nước ấm bằng một chiếc lon thiếc để vệ sinh cho đứa bé.

Theo Deborah Harrington, bác sỹ sản khoa người Anh tình nguyện làm việc tại bệnh viện, vào cuối tháng 12, các bác sỹ tại Bệnh viện al-Aqsa đã tiếp nhận một phụ nữ mang thai bị huyết áp cao gây sản giật và chảy máu não.

Harrington cho biết em bé được sinh bằng phương pháp sinh mổ còn người mẹ vẫn đang được hỗ trợ sự sống khi ông này rời đi hai tuần sau đó.

Harrington cho biết: “Người dân Gaza hiểu rằng việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc, như thường lệ đối với phụ nữ trong xung đột, thực sự khó khăn và đầy nguy hiểm. Ban đêm thường không có ánh sáng nên việc di chuyển thực sự rất khó khăn. Bạn không thể gọi xe cứu thương vì không có sóng điện thoại. Những phụ nữ tôi nhìn gặp thực sự rất lo sợ.”

Hanaa al-Shawa, 23 tuổi, đã sinh đứa con đầu lòng, Ayla, trong đại dịch COVID-19, và cô bé đã mang đến cho gia đình cô một “tia hy vọng”.

Vào tháng 7, Shawa và chồng là Mustafa, 25 tuổi, đã rất vui mừng khi biết tin họ chuẩn bị đón thêm một đứa con. Xung đột nổ ra vào tháng 10 và tương lai mà họ mơ ước đã tan vỡ.

leftcenterrightdel
Một phụ nữ Palestine tắm cho con trong căn lều ở khu trại tị nạn ở Rafah, miền Nam Gaza ngày 18/1/2024. (Ảnh: AFP) 

Shawa nói: “Chúng tôi bế Ayla đến đây chỉ với bộ quần áo cô ấy đang mặc và chúng tôi thậm chí không có bất cứ thứ gì ấm áp cho bé. Nếu tôi không thể chu cấp cho con bé, tôi sẽ làm gì cho đứa con tiếp theo của mình?”

Tình trạng khan hiếm lương thực và suy dinh dưỡng gia tăng có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng người mẹ khi sinh con và dẫn đến trẻ sơ sinh nhẹ cân, gầy còm và chậm phát triển.

Shawa cho biết cô chỉ ăn đồ hộp, không được ăn trái cây và rau quả kể từ khi phải rời bỏ nhà cách đây 3 tháng. Các bác sỹ cho biết hàm lượng sắt của cô thấp và huyết áp cao. Chồng cô tìm kiếm hàng ngày nhưng không thể thấy bất kỳ loại thuốc nào để cải thiện sức khỏe.

Trong khi đó, từ góc căn phòng ẩm ướt nơi Walaa - một phụ nữ Palestine mới sinh - đang chăm sóc đứa con nhỏ, cô lo lắng không biết họ sẽ tìm thấy nước sạch hoặc sữa bột trẻ em ở đâu. Gia đình cô đã đi tìm tã lót khắp nơi nhưng không có.

Ở Tel al-Sultan, Shawa đang tập trung nghe ngóng tin đồn rằng quân đội Israel sẽ bắt buộc phải đi sơ tán một lần nữa./.

Theo vietnamplus