Kiện con ra tòa vì không sinh cháu

Ông bà Sanjeev và Sadhana Prasad, 61 và 57 tuổi đến từ Ấn Độ, mới đây đã kiện con trai ruột ra tòa vì không sinh con sau 6 năm kết hôn. Họ yêu cầu con trai và con dâu phải sinh con trong vòng một năm, nếu không phải bồi thường khoản tiền 650.000 USD (hơn 15 tỷ đồng). Cặp vợ chồng cho biết đã dùng hết tiền tiết kiệm để nuôi dạy con trai trở thành phi công và chi tiền tổ chức một đám cưới xa hoa. Hiện tại họ muốn được hoàn lại khoản tiền.

Sadhana cho biết, việc con trai và con dâu từ chối sinh con khiến vợ chồng bà nhận nhiều lời chế giễu từ xã hội, mô tả đó là "sự tàn độc về mặt tinh thần". "Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc kiện chúng ra tòa. Chúng tôi đã cố gắng nói chuyện với các con nhưng bất cứ khi nào chúng tôi đặt vấn đề về việc muốn có cháu nội, chúng đều lảng tránh", Sadhana Prasad nói với BBC Hindi.

"Chúng tôi rất không vui. Chúng tôi đã nghỉ hưu và muốn trở thành ông bà. Chúng tôi thậm chí sẵn sàng chăm sóc các cháu. Những đứa trẻ đem đến niềm vui cho cuộc sống, nhưng chúng tôi đang bị tước đi điều đó", Sanjeev nói.

Khoản bồi thường ông bà Sanjeev và Sadhana Prasad đưa ra là 50 triệu rupee (hơn 15 tỷ đồng), bao gồm chi phí tổ chức tiệc cưới ở khách sạn năm sao, tiền mua một chiếc xe hơi sang trọng trị giá 80.000 USD và chi phí cho tuần trăng mật ở nước ngoài của con trai và con dâu. Ngoài ra, họ cũng đã chi 65.000 USD để con trai qua Mỹ học phi công, nhưng khi quay về Ấn Độ lại thất nghiệp.

Luật sư của cặp đôi, Arvind Kumar, cho biết, đơn kiện sẽ được tòa án ở miền bắc Ấn Độ xét xử vào ngày 17/5.

Ấn Độ: Ông bà áp lực vì không có cháu, phụ nữ áp lực vì phải sinh con - Ảnh 1.

Ông bà Sanjeev và Sadhana Prasad kiện con trai vì không sinh con sau 6 năm kết hôn. Ảnh: Arvind Kumar

Sinh con không chỉ là chuyện của hai vợ chồng

Việc cha mẹ thất vọng và kiện con cái ra tòa vì không sinh cháu có lẽ là trường hợp đầu tiên ở Ấn Độ, nhưng như nhiều người vẫn nói, việc có con ở Ấn Độ hầu như không bao giờ là quyết định chỉ của một cặp vợ chồng. Tất cả mọi người, từ cha mẹ đến họ hàng gần xa và xã hội rộng lớn hơn, đều có tiếng nói trong vấn đề này. Và trong hầu hết các trường hợp, các gia đình bắt đầu khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con trước khi hình xăm Henna (một phong tục được thực hiện trước đám cưới ở Ấn Độ) trên tay cô dâu mờ đi.

Nhà nhân chủng học xã hội, Giáo sư AR Vasavi giải thích: "Ở Ấn Độ, hôn nhân là chuyện giữa các gia đình chứ không chỉ là của một cặp vợ chồng. Logic văn hóa trong hành động của ông bà Prasads có nghĩa là việc mong muốn có cháu đã trở thành chuẩn mực xã hội".

"Họ cảm thấy họ có quyền được bồng cháu vì trong xã hội, sinh con được coi là trách nhiệm gắn liền với hôn nhân và một khi kết hôn, mọi người phải sinh con cho gia đình, cho giai cấp và cộng đồng. Họ cũng đang sử dụng lý do kinh tế rằng vì đã chi tiền cho việc giáo dục và nuôi dưỡng con cái, vì vậy bây giờ con cái phải toại nguyện mong muốn này của cha mẹ cho dù có muốn hay không", Giáo sư lưu ý thêm.

Ấn Độ: Ông bà áp lực vì không có cháu, phụ nữ áp lực vì phải sinh con - Ảnh 2.

Ở Ấn Độ, hôn nhân là chuyện giữa các gia đình chứ không chỉ là của một cặp vợ chồng. Ảnh: Newswire

Áp lực sinh con của phụ nữ Ấn Độ

Tại Ấn Độ, Tòa án Tối cao đã công nhận việc con trai phải chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già là "nghĩa vụ đạo đức và pháp lý". Trong khi đó, việc sinh con hầu như dồn lên vai người phụ nữ, các nhà vận động cho biết. Nhiều phụ nữ đã kết hôn phải chịu những căng thẳng không cần thiết từ gia đình và xã hội trong việc sinh con.

Sudha, một nhà phân tích kinh doanh 46 tuổi ở thành phố Bangalore, miền nam Ấn Độ, được cha mẹ sắp xếp kết hôn khi mới 21 tuổi. Nhớ lại 25 năm trước, Sudha kể: "Tại các lễ hội, họ hàng nhà chồng đều hỏi tôi khi nào cho mọi người nhận tin vui. Tôi còn rất nhỏ và không biết phải nói gì. Nhưng điều đó rất đáng sợ và mỗi lần họ đề cập đến nó, tôi rất lo lắng". Theo Sudha, hầu hết phụ nữ đều tuân theo mong đợi của gia đình và sinh con trong năm đầu tiên hoặc năm thứ hai sau khi kết hôn.

Srishti, em họ của Sudha, một kỹ sư phần mềm 28 tuổi, cho biết, trong 17 tháng sau khi kết hôn, những người lớn tuổi trong gia đình đã đề cập chuyện sinh con rất nhiều lần. Lần đầu tiên cha mẹ chồng nói về chủ đề này là khi cô kết hôn được sáu tháng. Nhưng cô và chồng không muốn có con sớm.

Cuộc hôn nhân của Srishti và chồng hiện tại là do gia đình sắp đặt. Cô nói: "Vào lúc này, chúng tôi muốn hiểu nhau hơn, làm sâu sắc hơn mối quan hệ của cả hai cũng như tập trung cho sự nghiệp. Sinh con là một kế hoạch dài hạn. Tôi nghĩ rằng vợ chồng không nên sinh con trừ khi đã sẵn sàng cả về tinh thần lẫn tình cảm, đồng thời tự tin cho đứa bé sự quan tâm và chăm sóc cần có".

Srishti cho biết, khi được hỏi về chuyện sinh con, cô và chồng đã giải thích lý do tại sao không muốn vội có em bé, nhưng mọi người vẫn tiếp tục đề cập đến khiến cô vô cùng áp lực.

Kim Ngọc