Li quen biết và yêu vợ của mình là Wang khi cả hai cùng làm việc ở nước ngoài. Năm 2008, hai người quyết định kết hôn.
Trước khi cưới Li, Wang từng kết hôn và là người nuôi nấng con gái sau khi li dị với chồng trước. Con gái Wang sau này sống chung với mẹ và bố dượng.
Sau thời gian dài về chung nhà, đợi mãi vẫn không thấy vợ mang bầu, Li ngỡ ngàng khi phát hiện Wang đã triệt sản. Li và mẹ của anh từng đề nghị Wang phẫu thuật để phục hồi khả năng sinh nở nhưng cô từ chối.
Wang trấn an chồng đừng lo lắng, rằng cô sẽ chung sống hạnh phúc bên anh trọn đời dù hai người không có con chung.
Khi đó, tình cảm vợ chồng còn mặn nồng và tin vào lời hứa của vợ, Li dần chấp nhận nguyện vọng không có con của nửa kia. Hai người cùng nuôi nấng, chăm sóc con riêng của Wang đến khi cô bé khôn lớn. Li yêu thương con của vợ như con đẻ của mình.
|
Nhiều cặp vợ chồng tranh cãi vì một người muốn sinh con, nửa kia không muốn. Ảnh:iStock.
|
Quyền tự do sinh nở
Tuy nhiên, sau nhiều năm, cuộc sống vợ chồng không còn yên ấm, hai người thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn. Với lý do này, Wang đệ đơn ly hôn với chồng lần lượt vào các năm 2019 và 2021.
Thấy vợ nhiều lần đệ đơn đời li dị, Li cho rằng vợ đã không giữ lời hứa bên anh trọn đời. Li nói rằng vì tôn trọng quyết định không sinh nở của vợ nên ở tuổi trung niên anh không có con riêng, bị tổn hại tinh thần nghiêm trọng.
Tháng 7/2021, Li đâm đơn kiện lên Tòa án Nhân dân quận Đồng Nam (Trùng Khánh), yêu cầu Wang trả 150.000 nhân dân tệ bồi thường tổn thương tinh thần với lý do vợ cũ đã "tước đoạt quyền sinh sản của anh".
Zhou Yan, chủ tọa phiên tòa, nói với phóng viên The Paper rằng cả nam và nữ đều có quyền bình đẳng trong vấn đề sinh sản. Điều đó có nghĩa thực hiện quyền tự do sinh sản của một bên không được gây cản trở cho bên còn lại.
|
Cả nam và nữ đều có quyền tự do lựa chọn sinh con hoặc không sinh nở. Ảnh:Getty.
|
Dưới góc độ phân công lao động xã hội và khía cạnh tâm sinh lý, phụ nữ thực hiện nhiều nghĩa vụ hơn trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái. Hơn thế nữa, đàn ông không thể đổi vị trí để mang thai, sinh đẻ, cho con bú, nên phụ nữ phải một mình gánh chịu vất vả, rủi ro.
Nếu người chồng muốn có con mà vợ không muốn, nếu chồng nhất quyết phải sinh nghĩa là đang cưỡng chế thể xác và ý chí của vợ. Điều đó làm mất quyền tự do cá nhân của phụ nữ, hủy hoại cả thể chất lẫn tinh thần của họ.
Việc trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ không chỉ là sự quan tâm nhân văn, bảo vệ đặc biệt đối với phái yếu, mà còn là biểu hiện của công bằng pháp luật.
Vợ chồng được hưởng quyền sinh sản bình đẳng, khi quyền lợi của hai bên xung đột thì phải giải quyết theo trình tự, dù ở góc độ nào thì trước hết quyền và lợi ích của phụ nữ phải được bảo vệ.
Tòa án nhân dân quận Đồng Nam cho rằng sinh con không phải là kết quả tất yếu của hôn nhân và phụ nữ không phải là công cụ sinh đẻ. Công dân được hưởng đồng thời quyền sinh con và quyền tự do không sinh con.
Tóm lại, tòa đã bác bỏ yêu cầu bồi thường của Li theo quy định của pháp luật.
|
Cần có sự đồng thuận của cả vợ và chồng trong việc sinh và nuôi nấng con cái. Ảnh:The New York Times.
|
Về vấn đề này, Liu Huan, phó giáo sư tại Đại học Liên hợp Bắc Kinh, nói rằng luật pháp Trung Quốc chưa bao giờ từ chối quyền sinh sản của nam giới.
"Con cái không phải là kết quả tất yếu của hôn nhân và phụ nữ càng không phải là công cụ để sinh con. Quyền sinh con là quyền được chia sẻ bởi cả nam và nữ. Phụ nữ được trao quyền tự do sinh sản thể hiện sự quan tâm nhân văn và sự bảo vệ đặc biệt của pháp luật đối với các nhóm phụ nữ".
Nếu vợ không muốn có con nhưng chồng lại muốn, vợ chồng không thỏa thuận được với nhau về vấn đề này thì chồng có thể lấy đó làm lý do để yêu cầu ly hôn.
Tòa án sẽ lấy lý do này làm cơ sở để phán quyết ly hôn, sau đó người chồng có thể thực hiện được quyền sinh sản của mình với người khác.
Zhao Tieying, luật sư đến từ Công ty Luật Bắc Kinh, cho biết với chi phí sinh hoạt ngày càng cao, khi các cặp vợ chồng có con, ngoài cân nhắc về kinh tế còn phải tính đến các yếu tố khác. Vị luật sư cũng đồng ý rằng dù quyết định thế nào cũng cần dựa trên tiền đề là tôn trọng quyền sinh sản của phụ nữ.
Theo Zing