Phụ nữ nghèo ở Philippines rơi vào vòng luẩn quẩn vì sinh nhiều con.

Mạng lưới bán thuốc bất hợp pháp

Elsa là người bán thuốc phá thai cho những phụ nữ nghèo lỡ mang thai ngoài ý muốn. Thay vì đến bệnh viện, họ phải tìm tới những nơi bán thuốc lậu vì phá thai là điều cấm kị. Luật pháp Philippines coi phá thai là tội giết người có thể chịu án tù 6 năm.


Tuy nhiên, theo những người bán thuốc lậu như Elsa, lĩnh vực kinh doanh thuốc phá thai trái phép đang bùng nổ mạnh ở nước này. 

Thỏa thuận mua bán thuốc phá thai diễn ra lặng lẽ phía sau 1 chiếc ô tô trong bãi đỗ xe gần Minor Basilica, quận ven sông Quiapo ở thủ đô Manila. Elsa đưa cho người mua 1 chiếc túi đựng lá cây.

“Đun sôi tất cả các thứ này cho phụ nữ đã chậm kinh khoảng 2 tháng uống. Nước lá rất đắng nhưng khó uống. Thuốc làm cho phụ nữ ra máu và bào thai cũng sẽ trôi ra”, cô nói.

Elsa đã bán thuốc phá thai hơn 10 năm nay, là thành viên của một mạng lưới gồm toàn phụ nữ ở tuổi trung niên chuyên trồng cây cỏ làm thuốc, đồng thời hoạt động phân phối và kinh doanh trong bóng tối.

Họ sử dụng thứ ngôn ngữ riêng của dân trong nghề. Đội bán thuốc này luôn tuân thủ luật im lặng và không bao giờ tiết lộ danh tính của khách hàng. Giá 1 gói thuốc “đặc chế” của Elsa là 250 peso Philippines (hơn 100 nghìn đồng).

Nỗi khổ của phụ nữ nghèo

Dân số Philippines hiện hơn 100 triệu người, tăng gấp đôi so với năm 1980. Thống kê đáng lo ngại khác là phụ nữ ở Philippines với trình độ học vấn tiểu học trung bình có 4,5 con.

Thế nhưng, trong suốt nhiều thập niên, nhóm chính khách Công giáo vận động hành lang có thế lực ở Philippines kiên quyết coi vòng tránh thai và thuốc tránh thai là công cụ giết người

Họ cũng chỉ trích mạnh mẽ những cặp vợ chồng sử dụng các phương pháp tránh thai ở Philippines. Mục đích vận động của nhóm chính khách này là: Gây áp lực buộc chính phủ loại bỏ hoàn toàn chương trình tài trợ kế hoạch hóa gia đình và cấm triệt để việc phá thai. 

Do đó, khi các biện pháp tránh thai bị cấm, nếu lỡ mang thai ngoài ý muốn, phụ nữ nghèo ở Philippines sẽ chịu nhiều nỗi khổ.

6 năm trước, chị Karen lỡ mang thai lần thứ tư nên dùng đủ loại, từ thảo dược cho đến thuốc Cytotec. Bán cháo ven đường tại thủ đô Manila, Karen kiếm chỉ được khoảng 5USD/ngày nhưng số tiền đó còn phải chia cho người chồng thất nghiệp, nghiện ma túy.

Karen kể: “Chồng đối xử như thể tôi là gái điếm và giữa chúng tôi không hề có tình yêu”. Ông ta không cho phép Karen uống thuốc tránh thai vì quan niệm “như thế là phản tự nhiên”. Thế nhưng, nếu sinh thêm con, cả gia đình sẽ suy kiệt hơn.

Karen đã tìm đến “thầy lang vườn” để được phá thai. Karen được đưa vào căn buồng nhỏ để 1 bà lang “thăm khám”. Sau đó, bà ta đưa cho Karen hỗn hợp thuốc và dặn phải pha với nước trà, uống đều đặn mỗi buổi sáng và đặt 1 viên Cytotec vào âm đạo.

Karen phải uống thứ nước đắng ngắt này suốt nhiều tháng. Thế nhưng, cái thai vẫn cứ lớn dần. Ngày sắp sinh, Karen xác định có thể con mình bị dị tật. Tuy vậy, đáng ngạc nhiên là đứa trẻ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Karen đặt tên con bé là Miracle (phép lạ) và hiện đứa trẻ đã được 6 tuổi.

Sau khi sinh Miracle, Karen không còn đủ sức nuôi gia đình bằng nồi cháo bán trên vỉa hè nữa. Thậm chí không có sữa, chị phải nuôi bé Miracle bằng thứ bột cà phê rẻ tiền. Tuyệt vọng, Karen gia nhập thế giới ngầm bán ma túy cho những kẻ nghiện ngập.

Sau đó, căn nhà nhỏ của Karen bị lục soát, còn chị phải trốn chui trốn nhủi như bao kẻ bán ma túy đường phố khác. “Là một người mẹ, tôi không có gì cho con. Không gạo, không tiền, không có nơi để sống hạnh phúc nhưng con cái vẫn là động lực cho tôi”, người mẹ nghèo tâm sự.

                                                                                              Nguyên Bách