Hỏi: Tôi là mẹ đơn thân đang nuôi 1 bé gái 9 tháng tuổi. Do hoàn cảnh khó khăn, điều kiện kinh tế không cho phép nên tôi muốn con được người khác nuôi để có điều kiện sống tốt hơn.

Muốn tìm cha mẹ nuôi cho con, tôi cần liên hệ ai, ở đâu? Việc tự nguyện cho con của tôi có vi phạm phát luật hay rắc rối gì về sau không?

Bảo Bình (Sóc Trăng)

leftcenterrightdel
 Tôi muốn con có điều kiện sống tốt hơn ở với tôi (ảnh minh họa)

Luật sư Trần Minh Cường – Giám đốc Công ty Luật TMC Lawyers chia sẻ:

Người mẹ sinh xong không muốn nuôi hoặc không điều kiện nuôi nếu muốn cho con đi, thì nên liên hệ ai?

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 16 Luật Nuôi con nuôi 2010,

Trường hợp trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng thì người giám hộ, cha mẹ đẻ, người thân thích có trách nhiệm báo cáo UBND cấp xã nơi trẻ em thường trú tìm gia đình thay thế cho trẻ em.

UBND cấp xã có trách nhiệm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em và thông báo, niêm yết tại trụ sở UBND trong thời hạn 60 ngày để tìm người nhận trẻ em làm con nuôi; nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì UBND cấp xã xem xét, giải quyết. Hết thời hạn thông báo, niêm yết, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì UBND cấp xã lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng.

Theo đó, người không muốn nuôi hoặc không điều kiện nuôi nếu muốn cho con đi thì có thể liện hệ với UBND cấp xã để nhờ UBND xã hỗ trợ trong việc tìm cha nuôi mẹ nuôi cho con trong trường hợp không muốn nuôi hoặc không đủ điều kiện.

Ngoài ra có thể gửi con đến các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em để có được sự giúp đỡ.

Việc tự cho ai đó con có vi phạm phát luật hay rắc rối gì về sau không?

Việc tự cho con và tự nhận con nuôi không vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, việc cho nhận con nuôi phải tuân thủ những điều kiện theo quy định của pháp luật như: Điều kiện đối với người được nhận làm con nuôi (Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010); Điều kiện đối với người nhận con nuôi (Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010); Phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hiện tại (Điều 21 Luật Nuôi con nuôi 2010).

Điều kiện đối với người được nhận làm con nuôi

Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định người được nhận làm con nuôi bao gồm:

Người được nhận làm con nuôi

1. Trẻ em dưới 16 tuổi

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.”

Trong trường hợp này, đối tượng được nhận nuôi là trẻ em dưới 1 tuổi, vậy nên cần đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 8:

Điều kiện đối với người nhận con nuôi

Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về Điều kiện đối với người nhận con nuôi:

1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.”

Trong trường hợp người nhận nuôi con nuôi đã thoả mãn điều kiện về năng lực hành vi dân sự và điều kiện về tuổi, cần chứng minh điều kiện về sức khoẻ, kinh tế, chỗ ở (Giấy khám sức khoẻ do cơ sở y tế cấp huyện cấp và Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã cấp).

Những trường hợp không được nhận con nuôi

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.”

Phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hiện tại

1. Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

2. Người đồng ý cho làm con nuôi quy định tại khoản 1 điều này phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi.

3. Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

4. Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.

Đồng thời, người nhận con nuôi phải thực hiện thủ tục nhận con nuôi đúng theo quy định của pháp luật. Trình tự nhận con nuôi được quy định tại Điều 19, 20, 21, 22 Luật Nuôi con nuôi 2010.

Theo phụ nữ TPHCM