Lúc mới kết hôn chúng tôi có đời sống hôn nhân êm đềm. Cả 2 đều có ý thức hỗ trợ bạn đời phát triển bản thân và sự nghiệp. Nhưng gia đình tôi trở nên căng thẳng khi vợ tôi có thai và sinh con.

Em bé khi mới sinh ra rất vui vẻ, lúc nào cũng cười, ăn ngủ dễ. Tôi thấy may mắn khi con sinh ra khỏe mạnh, vợ vượt cạn suôn sẻ, trong tháng có bà nội, bà ngoại đỡ đần.

Con được ngoài tháng, vợ chồng tôi chia nhiệm vụ, ban ngày vợ chăm con, buổi tối tôi phụ trách pha sữa cho bé uống sữa vào cữ khuya. Đôi khi con quấy khóc giữa đêm thì tôi là người dỗ con, vì tôi biết vợ đã cả ngày ở nhà vất vả. Cuối tuần, vợ liệt kê ra những thực phẩm và vật dụng cần thiết để tôi đi mua mang về trữ trong tủ lạnh dùng dần...

leftcenterrightdel
 Con quấy khóc khiến vợ căng thẳng và quá tải (Ảnh mang tính minh họa)
Mọi sinh hoạt chúng tôi có sự phân công hợp lý để đảm bảo tôi và vợ không ai bị quá tải. Thế nhưng vợ vẫn quá tải vì con tôi ngày càng trở nên khó tính. Con khóc quấy đòi ẵm bồng, thức thì đòi mẹ bế luôn trên tay, ru ngủ cũng phải bồng trên tay, thậm chí con ngủ cũng phải ôm trong lòng, cứ đặt xuống nôi là khóc. Việc ăn ngủ lộn xộn, không có giờ giấc.

Tôi tham khảo kinh nghiệm những người từng có con nhỏ và cả những bài viết trên sách báo đều, tất cả đều chỉ ra rằng: Con khó nuôi là do cha mẹ tập cho con những thói quen xấu. Họ cũng chỉ cách khắc phục, xây dựng thói quen tốt cho con.

Khi tôi chia sẻ những điều này với vợ, thay vì áp dụng thử xem hiệu quả thế nào thì cô ấy lại bài xích: "Con nhỏ biết gì mà rèn giũa. Con người ta dễ chịu mới vô nền nếp được. Con mình quấy khóc không ẵm, không dỗ là khóc đến bệnh..."

Kết quả là, dù con thức hay ngủ thì vợ tôi vẫn "mẹ là của con 100%", cô ấy không có thời gian làm việc nhà hay nghỉ ngơi gì. Hết thời gian nghỉ thai sản nhưng con chúng tôi khó chăm, vả lại chúng tôi cũng không yên tâm khi giao con cho người lạ, nên vợ quyết định ở nhà cho đến khi con hơn 1 tuổi rồi đi tìm việc khác.

Đến khi con tập ăn, gia đình tôi lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng như trên chiến trường vì cô ấy cất công nấu hầm đủ thứ rồi xay nhuyễn rất tâm huyết, thực đơn thay đổi mỗi ngày thế nhưng con không chịu ăn, hoặc ăn giữa chừng thì ói ra hết.

Tôi nói con đã tới tuổi ăn thì thử giảm số cữ sữa và lượng sữa để cho con đói và chịu ăn, mình ép khi con không muốn ăn thì không có tác dụng. Nhưng cô ấy luôn lo con đói, không đủ chất để phát triển. Cứ đến bữa ăn là mẹ con "vật lộn" với nhau, con thì ói khóc mẹ thì la hét. Tôi mà lỡ miệng nói ra, nói vào mà cũng vợ la.

Dịp cuối tuần nào mà tôi đề nghị đưa con đi đâu đó để vợ ở nhà nghỉ ngơi lấy sức thì con bé rất hạnh phúc. Con chơi vui vẻ, không quấy khóc, đói thì ăn, khát thì uống, tôi không hề ép con. Tuy nhiên mỗi khi cho con tôi về, vợ kiểm tra thấy tôi không sử dụng hết chỗ thực phẩm cô ấy chuẩn bị thì lại cằn nhằn.

Tôi cho con vận động ngoài trời, đi tập bơi, để con tiếp xúc với thiên nhiên dưới nước và dưới nắng hy vọng con khỏe mạnh về thể chất và cũng thoải mái về tinh thần. Con tôi do ở được bao bọc cẩn thận quá, đến khi ra ngoài gặp gặp nắng, gặp gió cháu dễ bị cảm sốt. Tôi thấy đó là việc bình thường nhưng vợ tôi thì lại sốt vó, sau vài lần cãi nhau với tôi thì những lần đi chơi sau cô ấy đều đi theo để giám sát, nhắc nhở 2 cha con, rồi vẫn bài cũ, ép con ăn những gì mà cô ấy cho rằng tốt dù con không thích và đã ngán tới tận óc.

Tôi đã nỗ lực mong vợ thay đổi cách chăm con, nhưng không thành công. Cô ấy không tiếp nhận ý kiến của chồng lẫn ý kiến nội ngoại. Tôi bắt đầu ngán về nhà, sau giờ làm tôi thường cố tình nán lại công ty bởi về nhà lại gặp một bầu không khí u uất, chán nản, mệt mỏi...

Theo phụ nữ TPHCM