Trong chính sách nhập cư thời hậu Brexit vốn được mong đợi từ rất lâu, chính phủ Anh cho biết hệ thống nhập cư mới sẽ ưu tiên những người lao động có tay nghề và đối xử công bằng với cả công dân EU cũng như công dân ngoài EU.
Dù chính những quan ngại về những ảnh hưởng lâu dài về xã hội và kinh tế từ dòng người di cư đã tạo động lực giúp phe ủng hộ Brexit giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit 2016 nhưng cam kết mới được chính phủ Anh đưa ra nhằm chấm dứt quyền tự do dịch chuyển của các công dân trong khối EU tới Anh lại khiến lãnh đạo các doanh nghiệp lo lắng không thể tuyển dụng được nhân viên.
Tuy văn bản chính sách mới công bố không nói rõ giới hạn cụ thể số người nhập cư sẽ được tiếp nhận hằng năm nhưng có đoạn nêu rõ sẽ giảm số lượng tới một mức bền vững đã được nêu trong cương lĩnh tranh cử của đảng Bảo thủ cầm quyền.
Trong cương lĩnh tranh cử năm 2017 của đảng Bảo thủ, giới hạn này là dưới 100.000 người.
Các lao động có tay nghề tới Anh theo hệ thống nhập cư mới sẽ phải được một công ty bảo trợ và được hưởng một mức lương tối thiểu theo quy định sẽ được đặt ra sau khi chính phủ tham vấn với các doanh nghiệp trong năm tới. Anh cũng sẽ không đề ra hạn mức số lượng người lao động có tay nghề được phép tới quốc gia này.
Ngoài ra, chính sách mới cũng bao gồm kế hoạch tiếp nhận người lao động thời vụ áp dụng trong thời gian chuyển tiếp từ chính sách cũ sang chính sách mới, cho phép các công dân EU và người lao động ở mọi trình độ tay nghề từ các quốc gia "ít nguy cơ" tới Anh trong vòng 12 tháng mà không cần phải có lời mời từ một nhà tuyển dụng cụ thể.
Về kế hoạch này, Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid cho biết, hệ thống mới dành ưu tiên cho người lao động có tay nghề giúp các nhà tuyển dụng có thể tiếp cận những nhân tài mà họ cần nhưng đây là đợt điều chỉnh hệ thống nhập cư lớn nhất trong vòng hơn 40 năm qua nên các nhà tuyển dụng cũng cần có thời gian thích nghi.
Do đó, chính phủ xây dựng kế hoạch lao động thời vụ nhằm giúp các doanh nghiệp có được những nhân viên họ cần và đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ sang hệ thống nhập cư mới.
Tuy nhiên, kế hoạch này cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ, người lao động tới theo diện này sẽ không được hưởng quyền được định cư tại Anh, chỉ có thể tiếp cận một số quỹ hỗ trợ cộng đồng cụ thể và chính phủ sẽ đánh giá lại kế hoạch trước năm 2025 để cân nhắc dừng kế hoạch nếu tình hình kinh tế cho phép.
Người lao động theo diện này cũng sẽ phải rời khỏi Anh sau 12 tháng và chỉ có thể được xem xét cấp thị thực trở lại Anh sau 12 tháng kể từ ngày rời đi.
Chính sách nhập cư mới sẽ được đệ trình lên Quốc hội ngày 20-12 và sẽ có hiệu lực khi giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu vào cuối tháng 3-2019 khi Anh chính thức rời EU. Chính phủ cũng đã lên kế hoạch đẩy nhanh việc xét duyệt thị thực làm việc và giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp bảo trợ người lao động.
Công dân châu Âu tới Anh theo diện du lịch trong khoảng thời gian tối đa 6 tháng sẽ không cần thị thực trong khi công dân Cộng hòa Ireland tiếp tục di chuyển và làm việc tự do tại Anh.
Chỉ còn 100 ngày nữa là Anh sẽ chính thức rời EU nhưng Thủ tướng Anh Theresa May vẫn chưa thể đảm bảo thỏa thuận Brexit mà chính phủ của bà và EU thông qua hồi tháng trước sẽ được chấp thuận tại Quốc hội nước này.
Thỏa thuận với nội dung xuyên suốt nhằm duy trì quan hệ mật thiết với EU thời hậu Brexit vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ chính giới Anh, đặc biệt là điều khoản "rào chắn" giúp duy trì biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.
Hôm 9-12, bà May đã hoãn đệ trình thỏa thuận Brexit lên xem xét thông qua tại Hạ viện vì nguy cơ bị bác bỏ quá cao, để tìm kiếm thêm sự đảm bảo từ phía EU với điều khoản gây tranh cãi này.
Ngày 19-12, bà May khẳng định đang làm việc với EU để có được những đảm bảo cần thiết giúp thỏa thuận nhận được sự ủng hộ của Quốc hội đồng thời cho biết sẽ công bố những đảm bảo này sau khi thảo luận với các lãnh đạo EU và trở lại Anh trong dịp Năm mới.