Chị tôi muốn nhập quốc tịch Việt Nam cho con, làm thế nào?
Cập nhật lúc 13:57, Thứ tư, 11/03/2020 (GMT+7)
Hỏi: Chị tôi là người Việt Nam lấy chồng người Malaysia. 02 con chị đều sinh tại Việt Nam (giấy khai sinh tại Việt Nam), nhưng khi sinh anh chị khai sinh cho con mang quốc tịch Malaysia. Hiện tại anh chị vẫn sống tại Việt Nam, hai con anh chị đã trên 18 tuổi, đang học đại học tại Malaysia và dự định sau khi học xong sẽ về Việt Nam sinh sống, nên anh chị muốn nhập thêm quốc tịch Việt Nam cho 2 con
* Trả lời:
1. Điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam trong trường hợp là con đẻ của người có quốc tịch Việt Nam
Ảnh minh hoạ
Dựa trên thông tin được cung cấp, chúng tôi hiểu rằng mẹ đẻ của người muốn nhập quốc tịch Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam, vì vậy, người muốn nhập quốc tịch Việt Nam này thuộc trường hợp được miễn giảm một số điều kiện khi nhập quốc tịch Việt Nam theo điểm a khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Quốc tịch). Như vậy, theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch, điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam đối với người đó như sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Với điều kiện này, người đó cần đạt đủ 18 tuổi, không gặp phải các vấn đề khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi.
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam.
- Có tên gọi Việt Nam.
- Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp người nhập quốc tịch có bố, mẹ, vợ/chồng là công dân Việt Nam, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.
2. Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam trong trường hợp được miễn một số điều kiện gia nhập quốc tịch Việt Nam
Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam được quy định tại Điều 20 Luật Quốc tịch và được hướng dẫn chi tiết tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 22/09/2009 (sẽ hết hiệu lực từ ngày 20/03/2020) và Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 03/02/2020 (có hiệu lực từ ngày 20/03/2020). Hồ sơ bao gồm:
- Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam (Mẫu TP/QT-2010- ĐXNQT.1 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2010/TT-BTP do Bộ Tư pháp ban hành ngày 25/03/2010);
- Bản sao Giấy khai sinh;
- Bản sao Hộ chiếu;
- Bản khai lý lịch (Mẫu TP/QT-2010-TKLL ban hành kèm theo Thông tư số 08/2010/TT-BTP do Bộ Tư pháp ban hành ngày 25/03/2010);
- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian cư trú tại Việt Nam (thực hiện tại Sở Tư pháp nơi cư trú hoặc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia - theo Điều 45 Luật lý lịch tư pháp 2009);
- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp đối với thời gian cư trú tại nước ngoài (theo quy định pháp luật nước ngoài nơi người nhập quốc tịch có quốc tịch).
Trình tự thủ tục nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam (quy định tại Điều 21 Luật Quốc tịch)
- Bước 1: Nộp 01 bộ hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam đến Sở Tư pháp nơi cư trú. Trong trường hợp hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ hoặc không hợp lệ thì Sở Tư pháp thông báo ngay để người xin nhập quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
- Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp sẽ đề nghị Công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của người xin nhập quốc tịch.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị, Công an cấp tỉnh xác minh và gửi kết quả cho Sở Tư pháp. Sở Tư pháp tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam.
- Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.
- Bước 4: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch UBND, Bộ Tư pháp kiểm tra lại hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì gửi thông báo cho Người xin nhập quốc tịch Việt Nam biết để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài.
- Bước 5: Người xin nhập quốc tịch Việt Nam làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài theo quy định pháp luật của quốc gia đang có quốc tịch. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản cho thôi quốc tịch nước ngoài của người xin nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Trong trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài, trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin nhập quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
- Bước 6: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
- Bước 7 (được thực hiện sau ngày 20/03/2020): Sau khi nhận được quyết định của Chủ tịch nước về cho nhập quốc tịch Việt Nam và thông báo của Bộ Tư pháp, UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tổ chức Lễ trao Quyết định cho người nhập quốc tịch Việt Nam.
Như vậy, để có thể thực hiện thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam một cách thuận lợi, các anh/chị có thể liên hệ với Sở Tư pháp nơi cư trú để được hướng dẫn chi tiết về thủ tục này.
Theo Quê Hương