Cô quyết định để lại hai con nhỏ và chồng ở California vì Covid-19 đang lan rộng toàn cầu. Dixit và chồng cô đều là công dân Ấn Độ, đã sống ở Mỹ hơn 10 năm, còn các con của họ là công dân Mỹ.

Là một nhân viên phát triển phần mềm với giấy phép làm việc tạm thời tại Mỹ, Dixit biết rằng để quay về Mỹ, cô sẽ phải đến lãnh sự quán ở Mumbai để được đóng dấu visa mới trong hộ chiếu, yêu cầu với một số người có visa Mỹ khi ra nước ngoài.

Tuy nhiên, hôm 16/3, một ngày trước cuộc hẹn đóng dấu visa, lãnh sự quán Mỹ đóng cửa do lệnh phong tỏa. 8 ngày sau, mẹ cô qua đời.

                     Vợ chồng Poorva Dixit và các con tại San Francisco, California, Mỹ. Ảnh: Reuters

Sắc lệnh nhập cư mới được Tổng thống Donald Trump đưa ra hôm 22/6 cấm những người có visa làm việc tạm thời đến Mỹ có thể khiến Dixit mắc kẹt ở Ấn Độ, xa chồng con, đến ít nhất cuối năm.

"Tôi đã mất mẹ và đang xa các con", cô nói, cho hay đang ở với họ hàng tại ngoại ô Mumbai. "Lúc này, tôi rất rối trí".

Dixit chỉ là một trong gần 1.000 người Ấn Độ mắc kẹt trong tình cảnh tương tự và tham gia vào một nhóm chat kín trên ứng dụng Telegram. Nhiều người như cô đã sống và làm việc hợp pháp nhiều năm ở Mỹ nhưng đang ở Ấn Độ khi Trump ra sắc lệnh mới. Họ rất bối rối và lo lắng về khả năng quay lại Mỹ.

Sắc lệnh của Trump tạm thời đình chỉ nhập cảnh với những người đến Mỹ theo một số loại visa lao động, bao gồm H-1B, loại dành cho lao động có trình độ cao, thường là trong lĩnh vực công nghệ như Dixit và chồng cô. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 24/6 cũng áp dụng với các visa L dùng cho việc chuyển giao quốc tế các nhân viên cấp cao, lao động mùa vụ, các thực tập sinh cũng như những thành viên gia đình của họ. 

Có một số trường hợp ngoại lệ với sắc lệnh này bao gồm những người làm việc trong ngành công nghiệp cung cấp thực phẩm và một số nhân viên y tế tham gia chống Covid-19. Tuy nhiên, trong khi vợ chồng, con cái của các công dân Mỹ được ngoại trừ thì số phận của cha mẹ những đứa trẻ là công dân Mỹ không rõ ra sao.

Chồng của Dixit, anh Kaustubh, đang cố gắng vừa làm việc toàn thời gian vừa chăm sóc hai con gái 6 và 3 tuổi.

Dixit thường gọi điện cho các con, có khi vài tiếng một ngày, cố gắng gần gũi con bằng cách đọc sách và hát cho chúng nghe để chồng cô làm việc. Nhưng cô sợ rằng sự chia cắt này sẽ gây ra hậu quả tâm lý lâu dài, nhất là với con gái út khi cô bé ngày càng chán những cuộc điện thoại. Con gái lớn đã viết lên bức ảnh gia đình trên tủ lạnh rằng mình "mãi mãi sống một cách buồn bã".

                    Vợ chồng Poorva Dixit và các con tại San Francisco, California, Mỹ. Ảnh: Reuters

Nhà Trắng cho hay biện pháp trên là cần thiết để dành cơ hội việc làm cho người Mỹ, khi hàng triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp do Covid-19. Tuy nhiên, 6 người Ấn Độ trong nhóm chat trên Telegram, trong đó Dixit, cho hay họ vẫn làm công việc ở Mỹ suốt đại dịch.

Vinod Albuquerque, một tư vấn viên kinh doanh 41 tuổi, tiếp tục làm việc từ xa cho công ty ở Atlanta từ khi phải trở về thành phố Mangalore, Ấn Độ, gấp hồi tháng hai do bố bị đột quỵ. 

Anh để lại con trai 6 tuổi và người vợ dự kiến sinh con vào tháng 9 tới tại Mỹ. Anh cũng không thể giải quyết visa vì lãnh sự quán đã đóng cửa và hiện mắc kẹt tại Ấn Độ.

"Thật không công bằng", Albuquerque nói. "Chúng tôi hiểu có thể sắc lệnh này ảnh hưởng những người mới xin visa H1-B chưa từng đến Mỹ, nhưng những người như chúng tôi bị thiệt hại gấp đôi. Tôi vẫn đóng góp cho nền kinh tế và đang bị đánh thuế ở Mỹ".

Theo vnexpress