Myron Nikolatos, cựu thẩm phán tòa án tối cao Cyprus, người phụ trách ủy ban điều tra, hôm 7/6 cho hay những người đã vi phạm quy định cấp hộ chiếu "cần phải chịu trách nhiệm hình sự và chính trị".

Ủy ban của Nikolatos được tổng công tố Cyprus thành lập tháng 9 năm ngoái, nhằm điều tra cái gọi là "hộ chiếu vàng" cấp cho nhà đầu tư nước ngoài từ năm 2007 tới tháng 8/2020, trước khi chương trình bị hủy hồi tháng 11 năm ngoái.

"Rõ ràng là Chương trình Đầu tư Cyprus hoạt động từ năm 2007 tới 2020 với nhiều lỗ hổng và thiếu sót, thiếu khuôn khổ pháp lý và không có khung quy định điều chỉnh", Nikolatos nói.

Một người cầm ảnh hộ chiếu trong cuộc biểu tình chống tham nhũng ngoài Trung tâm Hội nghị Filoxenia, nơi đang diễn ra cuộc họp quốc hội Cyprus, tại thủ đô Nicosia, ngày 14/10/2020. Ảnh: Reuters.

Báo cáo điều tra kết luận 53% trong số 6.779 hộ chiếu được cấp là trái phép, do không thẩm định đầy đủ hoặc thiếu sót trong kiểm tra lý lịch. Nội các là nơi cuối cùng có quyền chấp thuận đơn xin hộ chiếu của các nhà đầu tư giàu có.

Cuối ngày 7/6, phát ngôn viên chính phủ Kyriacos Koushous cho hay chính quyền Cyprus cam kết "trừng phạt" những người chịu trách nhiệm.

Báo cáo điều tra đã "khép lại, hoặc gần khép lại, một chu kỳ chính trị căng thẳng và môi trường độc hại kéo dài, chủ yếu nhằm vào Tổng thống Nicos Anastasiades và chính phủ của ông", Koushous nói.

Hòn đảo Địa Trung Hải hủy chương trình hộ chiếu vàng sau khi hãng tin Al Jazeera phát sóng một bộ phim tài liệu cho thấy phóng viên đóng vai người giúp một doanh nhân Trung Quốc sửa đổi thông tin để xin cấp hộ chiếu Cyprus, dù người này từng có tiền án.

Hình ảnh được quay bí mật cho thấy Demetris Syllouris, cựu chủ tịch quốc hội Cyprus, cùng một nghị sĩ đối lập tìm cách tạo điều kiện cấp hộ chiếu cho nhà đầu tư Trung Quốc này. Hai người sau đó từ chức, dù khẳng định mình vô tội và không làm gì sai.

Al Jazeera cho biết hàng chục người nộp đơn xin "hộ chiếu vàng" Cyprus đều trong diện đang bị điều tra hình sự, chịu lệnh trừng phạt quốc tế, thậm chí đang thi hành án tù.

Nicosia từ lâu bị Brussels gây áp lực cải cách chương trình hộ chiếu vàng vì lo ngại chương trình có nguy cơ giúp các băng nhóm tội phạm có tổ chức xâm nhập vào Liên minh châu Âu.

Còn Cyprus, một thành viên của khối, lập luận rằng họ cần thu hút người giàu có tới đầu tư để cải thiện nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng năm 2013. Nicosia cấp hộ chiếu cho mỗi nhà đầu tư nước ngoài để đổi lấy khoản đầu tư 2,5 triệu Euro (3 triệu USD), thu về hơn 7 tỷ Euro cho đất nước.