Cụ thể, theo tờ Nikkei Asia, nhiều người nước ngoài từng làm việc trong ngành công nghệ ở Mỹ theo diện visa H-1B đang đối mặt vấn đề: “Liệu có đáng để tìm cách tiếp tục bám trụ ở một đất nước chẳng hề quan tâm đến bạn?”. Trong đó, H-1B là visa không định cư dành cho người lao động có tay nghề cao, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực công nghệ.

Nguy cơ lao động nước ngoài chuyên môn cao ở Mỹ bị “trục xuất” - ảnh 1

Twitter và nhiều tập đoàn công nghệ Mỹ sa thải hàng loạt nhân viên vào thời điểm cuối năm

AFP

Sa thải hàng loạt

Đầu tháng 11, Meta thông báo sa thải hơn 11.000 lao động, trong đó có anh Zhou, nhà khoa học dữ liệu người Trung Quốc, 30 tuổi, với hơn 5 năm kinh nghiệm và tấm bằng thạc sĩ đại học hàng đầu Mỹ. Sau hơn 10 cuộc phỏng vấn trong vòng 2 tuần kể từ thời điểm rời Meta, anh Zhou vẫn không tìm được việc làm mới. Hiện sống tại thành phố San Francisco (bang California), Zhou chỉ còn thời hạn 1 năm để ở lại Mỹ theo visa H-1B, trong khi vẫn chưa được cấp thẻ thường trú nhân (còn gọi là thẻ xanh).

Tình thế càng oái oăm hơn khi anh Zhou phải tìm được chủ lao động mới đồng ý bảo trợ để visa H-1B tiếp tục có hiệu lực. Sau khi thời hạn hợp đồng với Meta chính thức hết hạn vào tháng 1.2023, người này chỉ có 60 ngày để tìm việc làm khác và người bảo trợ mới. “Không phải công ty nào cũng sẵn sàng bảo trợ người lao động làm thẻ xanh từ đầu”, Nikkei Asia dẫn lời anh Zhou chia sẻ và nói thêm: “Thậm chí nếu họ đồng ý, tôi có thể cũng không đủ thời gian kéo dài thời hạn visa H-1B để tiếp tục làm việc ở Mỹ”.

Theo trang layoffs.fyi - website theo dõi việc cắt giảm lao động trong ngành công nghệ Mỹ, từ đầu năm đến nay, tổng cộng 930 công ty đã sa thải 146.407 nhân viên ở nước này. Chỉ tính riêng tháng 11 đã có hơn 51.000 người mất việc. Công nghệ cũng là ngành thuê đa số lực lượng lao động nước ngoài theo diện visa H-1B, với khoảng 85.000 visa H-1B được cấp mỗi năm, theo USCIS.

Hiện có hàng ngàn lao động nước ngoài tại Mỹ lâm vào tình trạng giống như anh Zhou vì các hãng công nghệ đồng loạt sa thải nhân viên. Meta, Twitter và Amazon nằm trong số các hãng công nghệ thuê lao động H-1B nhiều nhất, theo số liệu của Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS). Đây cũng là những công ty vừa cắt giảm lao động nhiều nhất. Nếu Meta giảm hơn 11.000 lao động, Twitter đã sa thải 3.700 nhân viên, trong khi Amazon ban đầu có kế hoạch cắt giảm khoảng 10.000 lao động, nhưng hiện chưa rõ số lượng bao nhiêu, theo tờ The New York Times.

Những công ty khác như Apple và Alphabet (tập đoàn mẹ của Google) cũng đang giảm việc thuê lao động, hoặc thậm chí ngừng hoạt động tuyển dụng.

Thách thức cho người tài châu Á ở Mỹ

“Người lao động châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đợt cắt giảm lao động ở ngành công nghệ”, Nikkei Asia dẫn lời ông Harley Lippman, Tổng giám đốc điều hành công ty chuyên về nhân sự công nghệ Genesis10 (trụ sở California, Mỹ).

Ông Lippman cho biết đa số lao động toàn thời gian làm việc theo visa như H-1B đến từ châu Á, chủ yếu Ấn Độ và Trung Quốc. Trong lúc tình hình đang khó khăn, không phải công ty nào cũng sẵn sàng chi thêm tiền để bảo trợ lao động nước ngoài. Theo bà Rebecca Bernhard, luật sư di trú và việc làm của Công ty Dorsey & Whitney, chi phí bảo trợ trung bình cho người lao động nước ngoài theo diện H-1B là hơn 5.000 USD (hơn 118 triệu đồng) cộng thêm nhiều loại phí tổn luật pháp, tùy thuộc vào công ty luật mà hãng này thuê.

Còn luật sư Rohit Biswas của Hãng Kramer Levin Naftalis & Frankel cho biết sự phức tạp của hệ thống di trú Mỹ khiến lao động làm việc theo diện H-1B cũng bị ảnh hưởng dù họ vẫn giữ được việc làm trong đợt này. Nếu một công ty sa thải nhân viên, bất kỳ đơn xin cấp thẻ xanh nào mà công ty đang bảo trợ cũng bị dừng lại, cho đến khi nào công ty này chứng tỏ nhu cầu cần nhân viên một cách hợp pháp và không thể tìm đủ nguồn lao động là công dân Mỹ cho những vị trí việc làm đang trống. “Thậm chí dù bạn không phải là người bị sa thải, quy trình [xin cấp thẻ xanh] của bạn cũng bị ngừng lại khoảng 6 tháng, và tất nhiên điều này sẽ gây ảnh hưởng cho bạn”, luật sư Biswas giải thích.

Theo Thanh niên