Khách du lịch phơi nắng trên bãi biển ở thành phố Los Angeles, Mỹ.


Căng thẳng ngoại giao giữa Moskva và Washington đã bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân bình thường chỉ với mong muốn đơn giản là đi du lịch. Khoảng một năm trước, công dân Nga mất chưa đến một tuần để xin thị thực du lịch tới Mỹ. Nhưng giờ đây, thời gian chờ đợi kéo dài tới hơn 8 tháng, Washington Post đưa tin.

"Tôi chờ đợi một phép màu xảy ra. Có thể ngày mai Nga và Mỹ quyết định trở thành bạn bè và các nhân viên sứ quán sẽ trở lại làm việc rồi tôi được cấp visa", Mohamed Torky, bếp trưởng tại khách sạn Holiday Inn ở phía bắc thủ đô Moskva, ước ao.

Torky lên kế hoạch cho chuyến du lịch tới Mỹ vào tháng 7 để được tận mắt nhìn thấy Las Vegas "huyền thoại" và nếm món thịt bò bít-tết trứ danh của bang Texas. Thậm chí đầu bếp người Nga 32 tuổi còn ấp ủ sẽ biến ước mơ thời thơ ấu thành hiện thực trong chuyến đi nghỉ lần này. Đó là được cầm lái chiếc Ford Mustang, chiếc xe biểu tượng của nước Mỹ, và phóng như bay trên những con đường cao tốc trải dài tít tắp. Nhưng giờ đây chuyến đi Mỹ chỉ là trong mơ. Anh Torky đành bằng lòng với kỳ nghỉ hè ở Georgia, đất nước nhỏ bé ở giao điểm của châu Âu và châu Á hoặc xa hơn một chút là Ai Cập. "Putin không bị ảnh hưởng, Trump cũng thế nhưng những người dân thường như tôi thì lãnh đủ", anh Torky bức xúc nói. 

Điện Kremlin quyết định trục xuất 60 nhân viên ngoại giao Mỹ hồi đầu tháng để trả đũa việc Washington trục xuất số lượng tương tự các cán bộ ngoại giao của Nga vì nghi vấn Moskva đứng sau vụ đầu độc cha con cựu điệp viên hai mang Sergey Skripal ở Anh. Đến nay, tổng cộng 28 nước, phần lớn ở châu Âu, đã trục xuất khoảng 150 nhà ngoại giao Nga, khiến Nga đáp trả bằng lệnh trục xuất nhà ngoại giao của hơn 20 nước. Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, miêu tả mối quan hệ ngoại giao giữa Nga và phương Tây đang ở tình trạng xấu hơn cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Không chỉ những người dân bị ảnh hưởng, điện Kremlin tố cáo đại sứ quán Mỹ đã từ chối lịch hẹn phỏng vấn thị thực của phi hành đoàn hãng hàng không quốc gia Nga Areoflot, hãng duy nhất có chuyến bay trực tiếp tới Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ cáo buộc trên. 

Hai vũ công ballet thuộc nhà hát nổi tiếng Bolshoi cũng bị từ chối visa vào phút chót ngay trước buổi biểu diễn ở New York vốn đã được lên kế hoạch từ nhiều tháng. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố hôm 21/4 rằng phía Mỹ "đang cố tình dựng lên bức tường thị thực", khiến công dân Nga "rõ ràng không thể" nhập cảnh vào Mỹ. "Những điều như thế này thậm chí còn không xảy ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh", Bộ này nói.

Sở Nhập cảnh và Di trú Mỹ, cơ quan chuyên trách giám sát hoạt động cấp thị thực, không bình luận về các trường hợp bị từ chối visa vì lý do bảo mật thông tin cá nhân của người nộp đơn.  

Do lãnh sự quán Mỹ tại St. Petersburg đã đóng cửa gần một tháng, lịch hẹn phỏng vấn xin thị thực tại đại sứ quán Mỹ dành cho công dân Nga sớm nhất là trong vòng 250 ngày tới, tức hơn 8 tháng. Để tránh viễn cảnh chờ đợi mòn mỏi hơn 200 ngày, hàng trăm người Nga đã đổ xô đến các quốc gia láng giềng thuộc Liên xô cũ như Latvia, mong có cơ hội xin visa thành công tại các đại sứ quán Mỹ ở những nước này. Các công ty lữ hành nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh, chào bán những tour kết hợp du lịch trải nghiệm địa phương với hoạt động xin thị thực Mỹ. Ví dụ, du khách Nga có thể tranh thủ nếm thử rượu vang và nghỉ ngơi tại các trang trại trồng nho ở Georgia trong khi chờ đợi sứ quán Mỹ xử lý đơn xin visa. 

Tuy nhiên, không phải người Nga nào cũng có điều kiện, cả về thời gian lẫn khả năng tài chính, để sang các nước láng giềng xin visa Mỹ. Và kết quả là số lượng người Nga tới Mỹ giảm mạnh. Trong số đó, "lượng du khách Nga còn thấp hơn nữa, thực tế, là chẳng có ai", Maya Lomidze, đại diện của hiệp hội các công ty điều hành tour Nga, nhận xét. Các trường hợp đã nộp đơn xin visa nhưng không đủ kiên nhẫn chờ đợi đến lượt hẹn phỏng vấn, như đầu bếp Torky, sẽ "mất trắng" số tiền lệ phí 160 USD. 

Nếu so với con số hàng triệu người Nga du lịch tới các bãi biển ở Thái Lan hoặc Địa Trung Hải mỗi năm, số lượng du khách Nga tới Mỹ chưa bao giờ ấn tượng. Theo thống kê chính thức, năm ngoái 240.000 công dân Nga đến Mỹ, đa phần vì mục đích học tập hoặc kinh doanh. Đối với nhiều người Nga, Mỹ vẫn là một điểm đến "ngoài tầm với" và mỗi khi nghĩ đến Mỹ người ta nghĩ đến những giấc mơ đậm chất kinh đô điện ảnh Hollywood. 


Vladislav Kovalev (trái) và bạn gái

Vladislav Kovalev và bạn gái khát khao tổ chức một đám cưới giữa "những bãi đá tuyệt đẹp và trong ánh nắng của Los Angeles" phía tây nước Mỹ. "Với chúng tôi, Los Angeles thật lãng mạn. Ở đó là nơi phát triển ngành công nghiệp phim ảnh và gần Thung lũng Silicon. Anh có thể tham quan các phim trường Hollywood và tận mắt thấy trụ sở của Google và Apple", Kovalev nói. Luật pháp bang California cho phép người nước ngoài không có giấy tờ thường trú tại Mỹ có thể kết hôn. Và sau khi trở về Nga, cặp vợ chồng mới cưới có thể đăng ký tình trạng hôn nhân với chính quyền. 

Anh Kovalev, một nhân viên ngân hàng thành đạt, đang cân nhắc bay sang Kiev để xin thị thực Mỹ. "Tổ chức đám cưới ở Nga quá dễ dàng và nhàm chán", chú rể tương lai nói. 

Trong khi đó, điện Kremlin cũng không khuyến khích người Nga nghỉ dưỡng ở nước ngoài. Kể từ bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, Moskva ra sức đầu tư và quảng bá để bán đảo này trở thành điểm du lịch thiên đường trong nước như thời kỳ hoàng kim Liên xô cũ. Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao với phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Nga tuần trước thúc giục công dân đang học tập tại "những quốc gia không thân thiện" quay trở về tổ quốc và hứa họ sẽ được nhận vào những trường hàng đầu của Nga.

Dù mơ ước tổ chức lễ cưới ở Mỹ, nhân viên ngân hàng 27 tuổi Kovalev vẫn cảm thấy chán ngán với thái độ bài Nga của phương Tây. "Nếu anh bị đánh đủ đau, anh sẽ bắt đầu phản kháng để tự vệ. Và lúc đó việc ai gây chiến trước chẳng còn quan trọng nữa". 

Theo VNExpress