leftcenterrightdel
Buổi livestream dài hơn 1 tiếng đồng hồ đã có gần 10 ngàn lượt xem 

Trong những ngày gần đây, sau vụ việc bé gái 8 tuổi tử vong vì bị mẹ kế bạo hành khiến dư luận bức xúc, có rất nhiều những thắc mắc liên quan đến vấn đề giành quyền nuôi con cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm của người cha và mẹ hậu ly hôn.

Xoay quanh vấn đề này, nhiều người nổi tiếng đã thực hiện buổi livestream chia sẻ từ kinh nghiệm của chính mình sau đổ vỡ. Chiều 29/12, "hot mom" Trần Thu Hà đã có cuộc trò chuyện trực tuyến cùng luật sư Đinh Thị Quỳnh Như để giải đáp những thắc mắc cho các bà mẹ liên quan đến việc giành quyền nuôi con, thay đổi quyền nuôi con, trách nhiệm của cha và mẹ hậu ly hôn cùng các yếu tố pháp lý cần biết.

Dưới đây là một số câu hỏi về vấn đề ly hôn cũng như giành quyền nuôi con được luật sư Đinh Thị Quỳnh Như giải đáp:

*Khi bắt đầu chuẩn bị ly hôn và giành quyền nuôi con, người vợ hoặc chồng không nên làm điều gì?

-Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như: Khi bắt đầu một cuộc hôn nhân hay muốn kết thúc quan hệ vợ chồng chúng ta cũng nên bám vào quy định pháp luật để thực hiện. Có người sẽ biết hoặc không biết quy định pháp luật, nên việc đầu tiên là chúng ta nên tìm hiểu kiến thức pháp lý để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất cho bản thân.

*Vợ muốn ly hôn nhưng chồng không đồng ý ly hôn thì phải làm thế nào?

- Ly hôn có 2 hình thức: đồng thuận ly hôn và đơn phương ly hôn (một người là vợ hoặc chồng không đồng ý ly hôn, không đồng ý về vấn đề chia con chung hoặc tài sản…). Tuy nhiên, pháp luật không có quy định bắt buộc 2 người phải đồng thuận mới được quyền ly hôn nên nếu như một người muốn ly hôn và người kia không đồng thuận thì chúng ta sẽ tiến hành thủ tục đơn phương ly hôn, thủ tục hết sức phổ biến và dễ dàng để tìm hiểu.

*Ly hôn đã 6 năm, người mẹ làm đơn ra tòa yêu cầu cha của con có trách nhiệm chu cấp cho con có được không? (Trước đó, khi quyết định ly hôn thì người mẹ không đòi trợ cấp nuôi con)

- Trong bản án ly hôn sẽ giải quyết cụ thể về vấn đề nhân thân (cho hai người ly hôn) và kế tiếp là vấn đề con chung, còn tài sản chung và nợ chung có yêu cầu thì sẽ được giải quyết. Liên quan đến vấn đề con chung sẽ có hai nội dung: Ai sẽ là người trực tiếp nuôi con (giao cho cha hoặc giao cho mẹ), và người không trực tiếp nuôi con phải chịu trách nhiệm cấp dưỡng như thế nào. Hai nội dung này nhất thiết và bắt buộc sẽ có.

Trong trường hợp người mẹ được ghi nhận nuôi con nhưng nghĩa vụ cấp dưỡng không được ghi nhận cho người cha như trong bản án ly hôn trước đó, người mẹ vẫn có thể nộp đơn lên tòa yêu cầu thay đổi nghĩa vụ cấp dưỡng từ không thành có. Ngoài ra, trong một số trường hợp, một bên đang nuôi con nhưng bên kia xét thấy con không được chăm sóc tốt và nhiều lần bị từ chối thăm nom thì có thể đệ đơn thay đổi quyền nuôi con.

*Nếu vợ chồng có cưới hỏi, có con chung nhưng không đăng ký kết hôn thì khi chia tay, người cha có quyền giành nuôi con không và quyền hạn của người cha trong trường hợp này như thế nào?

- Đối với những cuộc hôn nhân sống chung với nhau, có con và tạo lập tài sản chung mà không được pháp luật thừa nhận (không đăng ký kết hôn) thì khi có tranh chấp tòa án vẫn thụ lý giải quyết, nhưng toà sẽ giải quyết không công nhận vợ chồng mà chỉ giải quyết về vấn đề con chung và tài sản chung. Nói về vấn đề tài sản chung, nếu các bên có thể chứng minh được có sự đóng góp thì sẽ chia trên phần trăm đóng góp cụ thể đó.

Còn về vấn đề con chung: Con chung của cặp vợ chồng không đăng ký kết hôn thì vẫn được làm khai sinh bình thường, bởi quyền của con là được quyền có tên cha, tên mẹ trên giấy khai sinh. Trong trường hợp chỉ có tên mẹ, không có tên cha hoặc ngược lại, thì cha vẫn có quyền làm thủ tục truy nhận cha cho con để có thể đứng tên trên giấy khai sinh. Đứa trẻ xuất phát từ cuộc hôn nhân không đăng ký kết hôn không khác biệt gì so với đứa trẻ xuất phát từ cuộc hôn nhân hợp pháp bởi vì quyền của trẻ em là không bao giờ thay đổi, dù là con ngoài giá thú đi chăng nữa.

Khi giải quyết về vấn đề giành quyền nuôi con với trường hợp này, tòa án cũng xác định như đứa con trong cuộc hôn nhân hợp pháp: Con dưới 3 tuổi ưu tiên ở với mẹ, từ 3-7 tuổi xét đến quyền lợi mọi mặt của con, từ 7 tuổi trở lên xét đến nguyện vọng con muốn ở với ai. Do đó, quyền của người cha đối với người con không bị hạn chế chỉ vì không xuất phát từ cuộc hôn nhân hợp pháp.

*Khi một bên giành được quyền nuôi con, bên còn lại bị cản trở cho gặp con thì phải làm thế nào?

- Đây là tình huống rất nhiều người gặp phải. Trong tất cả các bản phán quyết của tòa án đều có nội dung ai là người trực tiếp nuôi con, ai là người được quyền chăm sóc, thăm nom. Nếu bạn bị bên nuôi con cấm đoán không được gặp con thì trước hết bên nuôi con đã sai luật và bạn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án can thiệp để được gặp con, nhưng thủ tục rất phức tạp.

Chính vì vậy, nếu gặp tình huống này bạn nên chuẩn bị chứng cứ để yêu cầu tòa án thay đổi quyền nuôi con. Các bạn có thể quay hình lại hoặc ghi âm bằng chứng như khi mình gọi điện cho con một xíu đã bị chửi bới, tới thăm con thì bên nuôi đóng cửa không cho vào…  Sau khi thu thập tất cả chứng cứ chứng minh người kia không tôn trọng quyết định của tòa và bạn có thể đệ trình thay đổi quyền nuôi con.

*Mới ly thân, người chồng đã đưa con về nhà ông bà, rồi cắt đứt liên hệ, trong trường hợp này người vợ cần phải làm gì?

- Trước hết, người vợ cần phải tìm hiểu con mình đang ở đâu. Bước tiếp theo nếu muốn giành quyền nuôi con hay thay đổi quyền nuôi con thì cần phải chứng minh sự thay đổi (chuyển chỗ ở của người bố) có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, quá trình học tập, tâm lý… của con.

Theo phunuonline