Chị H. và ông T. kết hôn năm 2009, có con trai 13 tuổi và con gái tám tuổi. Năm 2021, vì không còn hạnh phúc, ông T. nộp đơn ly hôn.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/9/2020, ngoài việc ly hôn với chị H., ông T. yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng hai con, không yêu cầu cấp dưỡng. Ông T. là tổng giám đốc một tập đoàn bảo hiểm đa quốc gia, thu nhập ổn định, có thể điều hành công việc từ xa.

Về tài sản chung, ông T. không đồng ý chia 70 tỷ đồng (trong tổng số hơn 138 tỷ đồng thu nhập chịu thuế của ông) vì cho rằng đây là số tiền đã chi trả tiền nhà, xe, điện nước, học phí cho hai con… trong thời gian chung sống.

Chị H. yêu cầu được nuôi dưỡng hai con. Ông T. có trách nhiệm cấp dưỡng 50 triệu đồng/tháng và đóng học phí cho hai con 1 tỷ đồng/năm.

Chị H. lý giải, ông T. là lãnh đạo doanh nghiệp nên rất bận công việc, về nhà cũng phải đọc tài liệu báo cáo, bàn công việc… nên không còn thời gian chăm sóc con. Ông có hai quốc tịch Việt Nam và Mỹ, giao con cho ông T. sẽ ảnh hưởng đến quyền thăm nom, chăm sóc con của chị H.

Chị H. có thu nhập 30 triệu đồng/tháng, có nhà riêng ở TP.HCM, trong đó có hai ngôi nhà cho thuê 65 triệu đồng/tháng. Với thu nhập mỗi tháng khoảng 95 triệu đồng, chị H. khẳng định đủ điều kiện kinh tế để nuôi dưỡng hai con.

Về tài sản chung, chị H. yêu cầu được chia 70 tỷ đồng từ toàn bộ thu nhập của ông T.

Chị H. cho rằng, lương của chị khoảng 95 triệu đồng/tháng. Sau khi chị sinh con, ông T. yêu cầu chị nghỉ việc ở nhà chăm sóc gia đình nên chị mất khoản thu nhập này. Do vậy, thu nhập của ông T. trong 12 năm chung sống phải được tính là tài sản chung, khi ly hôn phải được chia đôi.

Tòa sơ thẩm ra bản án số 511/2020/HNGĐ-ST, tuyên ông T. được ly hôn với chị H., giao hai con chung cho ông T. và không nhận cấp dưỡng từ chị H.; không chấp nhận yêu cầu chia tài sản chung của chị H. Ông T. tự nguyện hỗ trợ chị H. 3 tỷ đồng để ổn định cuộc sống.

Chị H. làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Tại tòa phúc thẩm ngày 17/5/2021, hội đồng xét xử ra Quyết định số 469/2021/HNGĐ-PT không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị H. và giao hai con cho ông T. nuôi dưỡng. Tòa khẳng định chị H. có quyền, nghĩa vụ thăm nom con, không ai có quyền cản trở. Về tài sản chung, Tòa không chấp nhận yêu cầu chia 70 tỷ đồng.

Sau phiên tòa phúc thẩm, chị H. cho biết ông T. đưa hai con sang Mỹ sinh sống, cắt đứt mọi liên lạc với chị và gia đình bên ngoại.

Tháng 4/2022, chị H. sang Mỹ thăm con. Chị đến trường các con đang học nhưng nhà trường không cho chị gặp con. Nhà trường cho biết ông T. đã yêu cầu lãnh đạo nhà trường không cho chị gặp hay nói chuyện với các con. Chị H. liên lạc với ông T. và được bảo gặp luật sư của ông.

Sau khi làm việc với luật sư, chị H. được gặp con trong vòng hai giờ trước sự giám sát của ông T. Trong thời gian ở Mỹ, chị H. nhiều lần yêu cầu được thăm con lần nữa nhưng ông T. từ chối vì bận việc không đưa con đến được.

Ngày 27/1/2022, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm 469/2021/HNGĐ-PT.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM xét thấy, với vị trí tổng giám đốc, ông T. thường xuyên phải đi công tác, không đảm bảo thời gian chăm sóc các con, trong khi đó, chị H. có việc làm, thu nhập ổn định, có nhà riêng, đủ điều kiện chăm sóc con.

Giao hai con cho ông T. sẽ ảnh hưởng đến quyền thăm nom, chăm sóc của chị H. khi người cha đưa các con sang Mỹ sinh sống.

Ảnh mang tính minh họa - Wirestock
Ảnh mang tính minh họa - Wirestock

Về việc chia 70 tỷ đồng từ thu nhập của ông T. trong thời gian sinh sống, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TPHCM nhận thấy, trong quá trình giải quyết vụ án, chị H. đã cung cấp văn bản của Cục Thuế TPHCM xác nhận tổng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của ông T. từ thời điểm kết hôn (2009) đến lúc ly hôn (2020) là hơn 138 tỷ đồng. Mọi chi phí vé máy bay, thuê nhà, điện, nước, đi lại bằng xe hơi và chi phí đi học của hai con chung đều do công ty chi trả.

Ông T. cho rằng số tiền hơn 138 tỷ đồng trên thực tế không còn tồn tại, vì đã chi cho tiền sinh hoạt gia đình, hiếu hỉ, ma chay và quan hệ xã hội của ông T. Việc này, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao cho biết nghĩa vụ chứng minh (đã chi hết số tiền 138 tỷ đồng - PV) thuộc về ông T. chứ không phải nghĩa vụ chị H. như hai cấp tòa nhận định.

Do đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TPHCM ra Quyết định số 08/QĐKNGĐT-VC3-VP, đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy một phần hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm; tạm đình chỉ thi hành đối với bản án 469/2021/HNGĐ-PT của tòa phúc thẩm.

Ngày 5/9/2022, Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM ra Quyết định giám đốc thẩm số 17/2022/HNGĐ-GĐT, quyết định không chấp nhận Kháng nghị số 38/QĐKNGĐT-VC3-VP của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM; giữ nguyên bản án số 469/2021/HNGĐ-PT của tòa phúc thẩm có hiệu lực thi hành.

Theo nhận định của Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM, về vấn đề hai con chung, tòa khẳng định việc giao hai con chung cho ông T. là đảm bảo quyền lợi mọi mặt của hai đứa trẻ nên không chấp nhận nội dung kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TPHCM.

Việc ông T. đưa con chung sang Mỹ sinh sống và học tập là phù hợp với thỏa thuận giữa ông T. với chị H. Trong đó, quyền thăm nom và chăm sóc con của chị H. không bị hạn chế. 

Việc chị H. yêu cầu được chia 70 tỷ đồng trong tổng số hơn 138 tỷ đồng từ thu nhập của ông T., ông T. đã chi tiêu cho gia đình và các chi phí khác ngoài xã hội, không còn tiền để chia.

Sau phiên tòa giám đốc thẩm, chị H. tiếp tục có đơn kêu cứu, đồng thời có đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về việc đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định số 17/2022/HNGĐ-GĐT của Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM đang có hiệu lực. Hiện nay, Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM đang yêu cầu chị H. bổ sung hồ sơ cho vấn đề này. 

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

Giàu hơn thì được quyền nuôi con?

Tòa án các cấp xét xử khi quyết định giao hai con chung cho ông T. nuôi dưỡng chỉ dựa trên điều kiện về kinh tế của ông T. và chị H. là chưa hợp lý.

Sau ly hôn, khi quyết định giao con cho vợ hoặc chồng nuôi dưỡng, cần quan tâm đến sự phát triển tốt nhất của trẻ theo các điều kiện cụ thể như:

Về vật chất, pháp luật không hề có quy định bên giàu có hơn thì được quyền nuôi con. Điều kiện vật chất ở đây được xét dựa trên sự đảm bảo về điều kiện nuôi dưỡng con. Người trực tiếp nuôi dưỡng chỉ cần đảm bảo có đủ tài chính để đáp ứng tối thiểu các nhu cầu trong cuộc sống của con như: ăn ở, học tập, vui chơi giải trí…

Điều kiện kinh tế của chị H. đáp ứng tốt cho các nhu cầu này của con. Chị đã có chỗ ở ổn định, có thu nhập để các con phát triển về mặt thể chất, vui chơi giải trí.

Về điều kiện tinh thần. Xét về công việc, chị H. có thời gian dành cho các con nhiều hơn ông T. Ông T. là tổng giám đốc một tập đoàn đa quốc gia, không nhiều thời gian cho các con khi ông phải thường xuyên đi công tác, tiếp xúc với khách hàng…

Ảnh Freepik
Ảnh Freepik

Hai con chung đều bước vào giai đoạn dậy thì, đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong sự phát triển nhân cách của trẻ. Với vai trò làm mẹ, chị H. dễ dàng hơn trong việc tiếp xúc và quan tâm các con, nhất là đối với bé gái.
Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Trường hợp này, chị H. đảm bảo được các điều kiện tốt nhất cho sự phát triển thể chất và tinh thần của các con.

Luật sư Diệp Năng Bình
- Đoàn Luật sư TPHCM

Theo phụ nữ TPHCM