leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Chị Lê Hà (35 tuổi, ngụ tại Hà Nội) lo lắng dắt theo hai đứa con nhỏ  tới tìm luật sư. Chị chia sẻ hai vợ chồng chị kết hôn 10 năm. Suốt 10 năm qua, người chồng không mua nổi cho con anh ta gói snack nhưng khi có nhân tình thì anh ta bất ngờ gửi đơn đơn phương ly hôn kèm theo điều kiện đòi nuôi hai đứa con.

Cưới nhau được ba năm, chị sinh liền tù tì hai đứa. Ban đầu chồng làm ở nội thành nhưng sau đó anh ta về ngoại thành mở công ty và nhà xưởng. Ngày sống chung với ba mẹ chồng, thi thoảng anh về thăm gia đình. Khi chị Hà bàn với chồng mua căn chung cư trả góp, anh ta đồng ý.

Chồng làm giám đốc nhưng trả nợ ngân hàng đều do tay chị Hà lo. Nhà cách chỗ làm chưa đầy 30 km nhưng hai tuần anh ta mới về một lần. Mỗi lần ghé nhà, anh chỉ tắm táp, nằm dài ra ghế sofa như "khẳng định chủ của gia đình". Anh chẳng đoái hoài con cái học hành như thế nào thậm chí cái kẹo, gói bánh con cũng không có.

Gần đây, chị biết chồng có người thứ ba và con riêng. Chị còn chưa vượt qua nỗi buồn bị phản bội thì bất ngờ nhận giấy triệu tập của toà. “Anh ta đơn phương gửi đơn khởi kiện ly hôn mà tôi không hề biết. Anh ta giành quyền nuôi hai con và chia nửa căn nhà. 10 năm qua, hai đứa trẻ đều do một tay tôi nuôi dưỡng. Xin luật sư giúp tôi giữ nhà và con” - chị khóc vì bất lực.

Anh ta "đánh tiếng" nhờ vào các mối quan hệ “quen biết” để đưa hai đứa con rời xa chị. Cứ nghĩ tới hình ảnh các con của mình phải sống với “mẹ kế”, chị càng quyết tâm tìm luật sư để nhờ trợ giúp giành quyền nuôi con. 

Luật sư Hà Trọng Đại - công ty luật Hà Trọng Đại và cộng sự - cho biết anh đã tham gia rất nhiều vụ án ly hôn có tranh chấp quyền nuôi con. Những câu chuyện như trên không phải hiếm. Về nguyên tắc, khi vợ, chồng gửi đơn ly hôn lên tòa nếu không thỏa thuận được việc ai nuôi con, tòa sẽ quyết định theo Điều 81, 82, 83 Luật Hôn nhân và Gia đình. 

Khoản 3 Điều 81 quy định, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con trước khi ra quyết định ai có quyền nuôi dưỡng. Đồng thời, tòa án sẽ xem xét và giao con cho bên nào có điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của trẻ như điều kiện kinh tế, học hành. Nếu điều kiện kinh tế của người cha tốt hơn, đảm bảo điều kiện học hành cho con sẽ được ưu tiên hơn.

Khi cha, mẹ không thỏa thuận được thì tòa án sẽ dựa vào quyền lợi của con để quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc. Cha/mẹ dù không nuôi trực tiếp nhưng có quyền thăm nuôi và nghĩa vụ cấp dưỡng, trừ trường hợp người nhận nuôi không yêu cầu.

Trong quá trình người được tòa giao cho nuôi con nhưng không đảm bảo các điều kiện cần thiết đảm bảo quyền và nghĩa vụ nuôi con thì người còn lại có thể khởi kiện lại. Nhưng người khởi kiện lại phải chứng minh được các điều kiện người được giao con nuôi trước đó không tốt để nhận lại quyền nuôi con.

Bản thân luật sư Đại tham gia nhiều vụ việc bản thân người mẹ tranh giành quyền nuôi con nhưng khi đạt nguyện vọng thì lại không còn tiền chăm lo con. 

Luật sư Đại cho rằng, ly hôn là điều không ai mong muốn, hãy làm tốt nhất cho con. Người lớn vì lợi ích cá nhân, thù hằn lẫn nhau tìm mọi cách tranh giành con, làm ảnh hưởng tới lợi ích của con trẻ. Hậu ly hôn, con trẻ đều bị ảnh hưởng tâm lý. Vì cái tôi, cha mẹ cố tình tranh chấp đòi nuôi con bằng được nhưng lại không bù đắp thiếu thốn cho đứa trẻ, lúc này các cháu càng khổ hơn.

Hậu ly hôn, cha mẹ cần giảm thiểu tác động tới con cái. Cố gắng duy trì cuộc sống bình thường cho trẻ. Đặc biệt, luật sư Đại lưu ý, cha/mẹ không được tước quyền thăm nom của bên kia, mà hợp tác hết mức có thể. Luôn luôn chia sẻ với trẻ, cha mẹ vẫn yêu thương con, dù không còn ở bên nhau.

Theo phunuonline.com.vn