leftcenterrightdel
 Anh ghen tuông vô lối, có lần còn bóp cổ chị (Ảnh minh họa)

Không muốn lôi con ra toà

Năm 2005, chị Lê Thị Dịu (SN 1985, quê Nam Định) kết hôn. Hơn 1 năm sau, chị sinh con trai. Khi con trai được 2 tuổi, chị đi xuất khẩu lao động 5 năm mới về nước, gom góp được chút tài sản.

Kinh tế khá giả, chồng chị sinh tật mê bài bạc, ham nhậu, đã vậy còn ghen tuông vô cớ. Chị vì con mà cố giữ gia đình. Có lần chị hỏi con trai: "Nếu ba mẹ ly hôn thì sao", cậu bé im lặng.

Chồng chị từng lao vào bóp cổ chị vì nghĩ vợ ngoại tình. Anh ta nói: “Em có tin, anh giết em với thằng đó không?” trong khi chị Dịu không hề có người đàn ông nào. Lo chồng suy diễn nghĩ tiêu cực, có ngày hại mình và con, chị Dịu quyết định ly hôn.

Khi chờ ly hôn, chị và con trai về nhà bố mẹ đẻ ở. Nhà nội và ngoại cách nhau chưa đầy 2km nên con chị vẫn đạp xe đạp về chơi với ông bà nội.

Tòa gửi giấy triệu tập nhiều lần, chồng chị mới đến. Tòa phán quyết chị Dịu được quyền nuôi con. Tuy nhiên, sau đó 1 tuần, chồng chị Dịu bất ngờ “lật kèo”. Anh gửi đơn khởi kiện tranh chấp quyền nuôi con. Gia đình nhà nội lấy lý do chị đã đi xuất khẩu lao động 5 năm, đứa trẻ ở với ba và ông bà nội. Họ đòi quyền nuôi con và không cần chị chu cấp.

Theo hướng dẫn của cán bộ tòa án, con trai anh chị sẽ phải ra tòa để chọn ở với ai. Khi chị ướm hỏi con: “Con có muốn ở với mẹ không?”, thằng bé im lặng. 

Hôm sau, cu cậu trả lời: "Con muốn mẹ nhưng con cũng muốn ở cùng bà nội". Chị biết, gần đây, mỗi lần con về nhà nội, ông bà lại nói với cu cậu: "Mẹ sẽ đi lấy chồng, mẹ sinh em khác...". 

Không muốn con phải ra toà đứng chọn ở với ai, không muốn con tổn thương khi nhà nội tiếp tục “nhồi” vào đầu đứa trẻ hình ảnh mẹ là người xấu, chị đành nhượng bộ bên chồng, giao con cho anh nuôi và thuyết phục anh rút đơn.

Hậu ly hôn, chị rời Nam Định vào TPHCM tìm việc. Nhà chồng dứt khoát không nhận tiền chu cấp nên chị chọn cách gửi tiết kiệm để dành cho con. Sau đó không lâu cha của bé lập gia đình và ở riêng, chị Dịu yên tâm khi con sống với ông bà nội vì ông bà nuôi cậu bé rất kỹ.

Chị trò chuyện với con hàng ngày qua điện thoại. Chị hỏi thăm thầy cô giáo của con chuyện học hành, nắm bắt tâm tư của con, làm người bạn của con.

Năm ngoái, chị tái hôn. Chồng mới của chị ủng hộ vợ việc kết nối, chăm sóc con riêng. Số tiền tiết kiệm cho con chị cũng chia sẻ với chồng. Chị hy vọng khi con đủ 18 tuổi và vào học đại học, cậu bé sẽ có một khoản phòng thân.

Chị nghĩ, nếu ngày ly hôn chồng cũ, chị một mực tranh chấp đòi nuôi con, chưa chắc đã tốt cho bé. Con ở với ai thì cũng vẫn là con của chị, khi con lớn con sẽ lựa chọn gần cha hay gần mẹ.

Cho trẻ môi trường tốt nhất

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, khi cha mẹ ly hôn, con cái bị ảnh hưởng tâm lý rất nhiều, nhất là trẻ ở độ tuổi mới lớn. Các em thường chán nản, ảnh hưởng việc học hành, nghiện game, có tâm lý chống đối người lớn. Bé gái có cha mẹ ly hôn còn bị ám ảnh về tâm lý, mất niềm tin vào tình yêu, hôn nhân trong tương lai.

Chuyên gia Đinh Đoàn phân tích rằng, khi quyết định ly hôn, cha mẹ cần bàn kỹ về việc con ở với ai sẽ tốt nhất. Ngoài ra, cũng nên nói chuyện ly hôn với con và khuyến khích trẻ nói ra nguyện vọng của mình. Hãy cho trẻ biết rằng, dù cha mẹ không sống cùng nhà, nhưng cả hai đều yêu thương con.

Người nuôi dưỡng con cần tạo điều kiện cho người còn lại cùng thăm nom, liên lạc, chăm sóc con để trẻ thấy rằng chúng vẫn được yêu thương, không thiếu hụt tình cảm của cha hay mẹ, điều này rất quan trọng, giúp trẻ phát triển an toàn.

Ở nhiều gia đình, khi ly hôn, cha mẹ vì muốn trả thù nhau nên cố giành giật bằng được quyền nuôi con mà “phớt lờ” cảm xúc của trẻ. Cũng có người “nhồi sọ” con rằng cha/mẹ là người xấu xa, làm méo mó hình ảnh người sinh thành trong mắt con. Nếu thực sự thương con, phải cố gắng tránh những điều đó.

Theo phunuonline.com.vn