1. Tăng cường bảo vệ chế độ HNGĐ: Điều 5 quy định bổ sung các hành vi nghiêm cấm, trong đó có: Lợi dụng việc thực hiện các quyền về HNGĐ để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi. Đặc biệt, trong quá trình giải quyết các vụ việc về HNGĐ thì danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ.

2. Nâng độ tuổi kết hôn của nam và nữ: Theo quy định của Luật HNGĐ năm 2000 thì nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên (tức chỉ cần nam đã bước sang tuổi 20, nữ đã bước sang tuổi 18) là đủ tuổi kết hôn. Tuy nhiên, theo điều 8 Luật HNGĐ năm 2014 thì độ tuổi kết hôn của nam và nữ sẽ được nâng lên và được tính theo tuổi tròn, bắt buộc nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn.

3. Không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính: Luật HNGĐ năm 2014 bỏ quy định “Cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”, nhưng lại quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2, điều 8).

4. Tăng cường bảo vệ phụ nữ và con đối với hôn nhân không đăng ký: Điều 16, có quy định về giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Trong đó, đáng chú ý là việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập. Như vậy, đối với hôn nhân không đăng ký, mặc dù không được pháp luật công nhận là vợ chồng nhưng luật mới chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích của người làm công việc nội trợ (đa phần là nữ giới) nên quyền lợi các bên được bảo đảm tương tự như hôn nhân có đăng ký.

5. Quy định chế độ tài sản của vợ chồng: Luật HNGĐ năm 2014 quy định vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Điểm mới ở đây là chế độ tài sản theo thỏa thuận, theo đó nếu hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản này thì phải lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực (điều 41). Nội dung cơ bản của thỏa thuận về tài sản bao gồm: “Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan, tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản…”. Thỏa thuận này vẫn có thể được sửa đổi, bổ sung sau khi kết hôn. Quy định này góp phần giảm thiểu sự tranh chấp tài sản sau ly hôn của các cặp vợ chồng trong tình hình hiện nay.

6. Có thể xin ly hôn giùm người thân: Theo đó, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai người mới có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì kể từ nay, cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ (điều 51). Quy định này đã tháo gỡ cho nhiều trường hợp bức xúc muốn xin ly hôn giùm người thân bị mất năng lực hành vi mà không được do luật cũ chỉ quy định việc ly hôn phải do chính đương sự (vợ, chồng) yêu cầu, trong khi họ lại bị mất năng lực hành vi dân sự dẫn đến không có năng lực hành vi tố tụng dân sự để xin ly hôn.

7. Bạo lực gia đình là căn cứ để ly hôn: Điều 56 quy định về đơn phương ly hôn như sau: khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Như vậy, luật mới quy định rất rõ “bạo lực gia đình” là căn cứ để giải quyết cho ly hôn; còn đối với những vi phạm khác, những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng…trong đời sống vợ chồng, thì phải có cơ sở nhận định chung rằng tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì mới giải quyết cho ly hôn.

8. Quy định trách nhiệm ghi chú việc ly hôn: Nghị định 158/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch có quy định: “Cơ quan có thẩm quyền khi ra quyết định liên quan đến các thay đổi hộ tịch (xác định cha, mẹ, con; ly hôn; hủy việc kết hôn trái pháp luật…), đồng thời gửi một bản sao quyết định cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nơi trước đây đã đăng ký sự kiện hộ tịch có liên quan đến việc thay đổi để ghi vào sổ hộ tịch”.

Tuy nhiên, do Luật HNGĐ và pháp luật về tố tụng dân sự không quy định rõ, nên khi giải quyết ly hôn, tòa án không gửi bản sao bản án hoặc quyết định ly hôn cho cơ quan hộ tịch, dẫn đến trường hợp có nhiều người dù đã ly hôn nhiều năm nhưng cơ quan hộ tịch không hề hay biết và chỉ khi người ly hôn có nhu cầu xin xác nhận tình trạng hôn nhân, thì UBND mới biết họ đã ly hôn. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tư pháp có ban hành Thông tư số 16/2010/TT-BTP ngày 8/10/2010 hướng dẫn về việc vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài. Tuy nhiên, hướng dẫn này chỉ mang tính tạm thời và chỉ áp dụng cho đối tượng là công dân Việt Nam đã ly hôn ở nước ngoài, về Việt Nam thường trú hoặc kết hôn mới...

Còn đối với ly hôn tại Việt Nam thì không có quy định bắt buộc phải ghi chú việc ly hôn. Nay, điều 57 Luật HNGĐ quy định rõ: tòa án đã giải quyết ly hôn có trách nhiệm phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch. Như vậy, từ nay giữa tòa án và cơ quan hộ tịch đã có sự liên kết với nhau trong việc thực hiện ghi chú vào sổ bộ kết hôn. Việc này do chính tòa án và cơ quan hộ tịch thực hiện (chứ không phải là trách nhiệm của hai bên kết hôn, ly hôn). Đây là quy định tiến bộ, nhằm tăng cường sự quản lý, cập nhật thay đổi về hộ tịch, vừa giảm thủ tục hành chính cho người dân.

9. Chia tài sản phải xét yếu tố lỗi: Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn có nhiều điểm mới, đó là trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì được phân chia theo quy định của pháp luật. Về nguyên tắc, khi chia theo pháp luật thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, nhưng có tính đến các yếu tố - trong đó có điểm mới là căn cứ vào yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng (điều 59). 
Theo đó, đối với các trường hợp một bên vợ, chồng không chăm lo làm ăn, cố tình phá tán tài sản, cờ bạc, rượu chè, hút sách, gây nợ nần…, có hành vi ngoại tình, vi phạm chế độ một vợ một chồng, bòn rút tiền của gia đình cho nhân tình; có hành vi bạo lực gia đình, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm… sẽ được tòa án xem xét trong việc phân chia tài sản, theo hướng người nào có lỗi, lỗi nhiều hơn sẽ nhận được tài sản ít hơn. Có như vậy mới bảo đảm sự công bằng đối với người chuyên tâm lo làm ăn xây dựng gia đình, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật về HNGĐ.

10. Hạ độ tuổi hỏi ý kiến của trẻ: Về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn có sự thay đổi so với luật cũ. Cụ thể: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con (trong khi luật cũ quy định nếu con từ đủ chín tuổi trở lên).

Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con (điều 81). Quy định này tương tự luật cũ nhưng lại chặt chẽ hơn ở điểm không phải bất cứ trường hợp nào con dưới ba tuổi đều ở với mẹ. Bởi vì dù con dưới ba tuổi, nhưng bản thân người mẹ không đủ điều kiện nuôi con, chẳng hạn: do đau yếu, bệnh tật triền miên; đi công tác xa liên tục dài ngày; không nghề nghiệp, việc làm, không có tài sản, thu nhập ổn định để nuôi con; người mẹ rơi vào tệ nạn xã hội: cờ bạc, rượu chè, mê tín dị đoan, nghiện ngập, phạm pháp…, thì tòa án vẫn có thể giao con cho người cha được trực tiếp nuôi giữ và chăm sóc. Quy định này phần nào bảo đảm hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ và cũng “khắc chế” được phần nào sự ỷ lại của một số bậc làm mẹ, vì cứ cho rằng con dưới ba tuổi thì đương nhiên thuộc về người mẹ nuôi, nên họ không tập trung chăm lo, nuôi dạy con tốt…

11. Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: Mang thai hộ (MTH) là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Theo đó, điều kiện MTH là: Các bên tự nguyện và được lập thành văn bản; vợ chồng nhờ người MTH phải có: xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý; người được nhờ MTH phải có đủ các điều kiện: là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ MTH; đã từng sinh con và chỉ được MTH một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng MTH; trường hợp người phụ nữ MTH có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Việc MTH vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Luật sư HUỲNH MINH VŨ-Đoàn luật sư TP.HCM (Theo phunuonline.vn)