Chị Nguyễn Thị Dung, ở Chí Linh, Hải Dương, đã đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc) trở về đã được gần 3 năm, cho biết: Trước khi xuất cảnh, người lao động được công ty đào tạo… sơ sơ. Chị ở công ty tại Cầu Giấy – Hà Nội để học tiếng Trung chỉ trong đúng 1 tuần, bập bẹ được một số câu chào hỏi cơ bản và học cách chăm sóc bệnh nhân như cho ăn, tắm, vệ sinh… Kết thúc một tuần ngắn ngủi đó, chị được đưa sang Đài Loan để làm việc tại Viện dưỡng lão ở Cao Hùng.
Chị Dung nhớ lại, được đào tạo "cấp tốc", nên sang tới nơi, trong đầu chị gần như không còn nhớ gì để giao tiếp với người bản địa; đi lạc cũng không biết hỏi đường; cần sự giúp đỡ cũng không biết bấu víu ở đâu. Thậm chí đến khi nhận việc, những kỹ năng nghề cơ bản được đào tạo là giúp việc gia đình, chăm sóc người già chị cũng đành làm theo kinh nghiệm tự có.
Theo khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài đã trở về tại Hải Dương, Hưng Yên và Thanh Hóa cho thấy, quá trình đào tạo của các công ty chưa đảm bảo được chất lượng đầu ra, đặc biệt trong đào tạo ngoại ngữ. Thậm chí còn xảy ra tỉnh trạng oái oăm, doanh nghiệp đào tạo một nghề, trên thực tế, người lao động lại được nhận làm một nghề khác.
Thời gian đào tạo bị rút ngắn. Việc dạy tiếng cho người lao động không phù hợp như: Doanh nghiệp đào tạo tiếng Anh nhưng khi đi làm việc ở nước ngoài, người lao động lại cần tiếng Malaysia. Doanh nghiệp đào tạo tiếng Trung Quốc nhưng khu vực người lao động làm việc lại sử dụng ngôn ngữ địa phương (tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông)... Ngay cả trong trường hợp cùng một ngôn ngữ, cô giáo giảng dạy hướng dẫn cách phát âm chuẩn nhưng sang bên nước tiếp nhận, họ lại phát âm giọng bản xứ nên người lao động không thể giao tiếp được.
Theo GFCD, thực trạng này xuất phát từ hai nguyên nhân cơ bản: Phía doanh nghiệp, chương trình đào tạo chưa phù hợp với công việc và ngôn ngữ tại nước tiếp nhận, chất lượng đào tạo chưa tốt. Từ phía người lao động còn hạn chế về khả năng tiếp nhận kiến thức và chưa ý thức cao về việc học.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng ở địa phương có tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát về việc đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động trước khi xuất cảnh nhưng lại chưa kiểm soát được việc đào tạo có đủ nội dung và đủ thời gian theo chương trình đào tạo hay không. Điều đó đã tạo ra nhiều lỗ hổng, bất cập trong việc thực hiện nâng cao chất lượng nguồn lao động khi đi làm việc ở nước ngoài.
Đầu tư cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động
Khắc phục hạn chế này, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022) trong đó có một số điểm mới như, khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động; Bảo đảm bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không phân biệt đối xử trong hoạt động tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng; có các biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài phù hợp với các đặc điểm về giới.
Đặc biệt là Nhà nước có chính sách "hỗ trợ đầu tư cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động".
Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài, bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho người lao động về tính thiết thực của các khóa đào tạo, rất cần thiết đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ trong việc tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động.
Trong đó, chú trọng nội dung giáo dục định hướng như: Giáo dục về truyền thống, văn hóa; kiến thức pháp luật, các loại hợp đồng lao động của Việt Nam cũng như nước sở tại; Kiến thức cơ bản về cưỡng bức lao động, phòng, chống buôn bán người, bình đẳng giới, lạm dụng tình dục, bạo lực giới và các kỹ năng phòng ngừa;…
H.Hòa
Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự thảo Nghị định này thay thế cho Nghị định số 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Tại Điều 46, Dự thảo nghị định quy định, mức xử phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng với doanh nghiệp, tổ chức "không tổ chức giáo dục định hướng để người lao động được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định".
Không chỉ vậy, hành vi này còn chịu mức phạt bổ sung là đình chỉ việc thực hiện hợp đồng cung ứng lao động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm này với dưới 10 người lao động;
Đình chỉ từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm này với từ 10 người lao động trở lên.