Thủ đô London chìm trong khói mù. (Ảnh: Wired)

 

Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) ngày 4/3 ra phán quyết cho rằng Anh đã vi phạm giới hạn của khối về mức ô nhiễm không khí trong nhiều năm liền. ECJ cũng yêu cầu London tuân thủ quy định về khí thải, đồng nghĩa với khả năng Anh có thể bị phạt dù đã rời Liên minh châu Âu (EU).

Anh rời EU bao gồm cả việc rời khỏi "quỹ đạo" của tòa ECJ từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, giới chức London đã đồng ý tuân thủ các phán quyết của ECJ đối với trường hợp các vi phạm xảy ra trong thời gian Anh vẫn là thành viên của khối.

Trong phán quyết đầu tiên kể từ sau Brexit có hiệu lực, ECJ khẳng định Anh đã vi phạm các giới hạn của EU về chất thải NO2 "một cách có hệ thống và kéo dài" tại 16 khu vực, trong đó có thủ đô London, thành phố Manchester, khu đô thị Teesside ở Đông Bắc vùng England và Glasgow  (Scotland) trong giai đoạn 2010-2017.

Anh cũng vi phạm giới hạn về giờ thải khí NO2 đồng thời không có biện pháp hạn chế các vi phạm trên.

ECJ đã yêu cầu Anh giảm mức ô nhiễm khí NO2 xuống dưới giới hạn cho phép của EU. Nếu không thực hiện, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ có hành động pháp lý mạnh hơn chống lại Anh với các mức phạt tài chính.

Ngay sau đó, Bộ Môi trường Anh cho biết đang xem xét phán quyết của ECJ. Một người phát ngôn của bộ trên cho biết, tình hình ô nhiễm không khí ở quy mô quốc gia đã giảm đáng kể từ năm 2010.

Giờ Anh không còn là thành viên EU nhưng London vẫn dành 3,8 tỷ euro (5,30 tỷ USD) cho kế hoạch cải thiện chất lượng không khí.

Nhằm thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải, Anh đặt mục tiêu cấm bán các loại xe mới chạy bằng xăng và dầu diesel từ năm 2030. Bên cạnh đó, nước này cũng mở rộng khu vực khí thải siêu thấp (ULEZ) trong năm nay, theo đó yêu cầu các phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn ngặt nghèo về khí thải, nếu không sẽ phải nộp phạt theo ngày.

Theo Vietnamplus