Dân Ấn Độ yểu mệnh do ô nhiễm không khí
Cập nhật lúc 16:16, Thứ sáu, 19/02/2021 (GMT+7)
Ô nhiễm không khí ước tính đã làm cho khoảng 54.000 người ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ “chết trẻ” trong năm 2020, theo một nghiên cứu do tổ chức Greenpeace Southeast Asia Analysis (Phân tích môi trường xanh Đông Nam Á) và IQAir, một công ty của Thụy Sĩ phối hợp thực hiện và được công bố vào ngày 18/2 vừa qua.
Ô nhiễm không khí làm khoảng 54.000 người ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ “chết trẻ” trong năm 2020 - Ảnh: AFP/Getty Images
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá chất lượng không khí bằng cách ghi lại mức độ dày đặc của các phần tử độc hại PM2.5 trong không khí (PM2.5 có kích thước siêu nhỏ với đường kính dưới 2,5 micro-mét, tức nhỏ hơn sợi tóc 100 lần, và lơ lửng trong không khí lâu hơn). PM2.5 có thể gây ra những căn bệnh nguy hiểm dẫn đến tử vong như ung thư hay các bệnh lý về tim mạch.
Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng ô nhiễm không khí cũng góp phần làm số ca nhiễm COVID-19 trong năm ngoái ở Ấn Độ tăng mạnh. Riêng tại Delhi, vào tháng 11/2020, mật độ PM2.5 trong không khí lên mức cao kỷ lục, cao hơn mức an toàn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến 30 lần. Trong năm 2020, chỉ số PM2.5 bình quân năm của Delhi cũng cao hơn mức an toàn của WHO 6 lần.
Năm 2019, 1,67 triệu người ở Ấn Độ đã thiệt mạng vì không khí độc hại, theo the Lancet, tuần báo quốc tế về y tế đa khoa. Còn theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu nói trên, ô nhiễm không khí đã khiến cho gần 25.000 dân ở trung tâm tài chính Mumbai của nước này phải thiệt mạng sớm hơn độ tuổi tử vong trung bình.
Đầu năm ngoái, tình trạng ô nhiễm không khí ở New Delhdi gần như đã biến mất khi chính quyền thành phố áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19. Nhưng đến tháng 8, khi chính quyền nới lỏng một số quy định về giãn cách xã hội thì tình trạng này đã quay trở lại.
“Không khí ô nhiễm làm gia tăng nguy cơ tử vong do ung thư, đột quỵ, hen suyễn và làm cho các triệu chứng liên quan các trường hợp nhiễm COVID-19 thêm nghiêm trọng”, Avinash Chanchal, một nhà vận động cho môi trường thuộc tổ chức Greenpeace Ấn Độ, đã viết trong báo cáo.
“Đã đến lúc cần đẩy nhanh việc phát triển các nguồn năng lượng có thể tái tạo, xóa sạch chất thải từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch (như xăng, dầu, than đá…) và xây dựng các hệ thống giao thông bền vững”, các nhà nghiên cứu đã viết trong báo cáo với hàm ý khuyến cáo các thành phố lớn trên thế giới trong đó có Ấn Độ.
Theo phunuonline.com