Nghiên cứu cho thấy vô sinh liên quan đến ô nhiễm không khí

Các chuyên gia từ lâu đã cảnh báo rằng không khí bẩn gây hại rất lớn cho sức khỏe, đặc biệt là khi khoảng 30% trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân. Theo đó, nghiên cứu mới nhất cho thấy vô sinh và ô nhiễm không khí có thể liên quan với nhau. Các nhà khoa học cho biết ô nhiễm không khí giờ đây nên được coi là một yếu tố 'không thể lường trước được' đối với hàng triệu người trên thế giới đang gặp phải vấn đề khó thụ thai.

Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Môi trường Quốc tế (Environment International). Nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ các cuộc phỏng vấn và bảng câu hỏi từ 18.571 cặp vợ chồng tham gia cuộc Khảo sát mức sinh của phụ nữ đã kết hôn ở Trung Quốc. Ở Trung Quốc, phụ nữ phải đăng ký với chính quyền trước khi có ý định mang thai. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu yêu cầu thông tin từ tất cả những phụ nữ đang muốn thụ thai.

Ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ vô sinh thêm 20%

Theo kết quả nghiên cứu, khoảng 6.875 người (67%) đã thụ thai tự nhiên, với thời gian trung bình để mang thai là 5 tháng. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng phụ nữ tiếp xúc với ô nhiễm hạt nhỏ cao hơn 10 microgam/mét khối trong một năm có nguy cơ vô sinh cao hơn 20%.

Ô nhiễm là yếu tố 'không thể phớt lờ'.


Nghiên cứu cho thấy mức độ ô nhiễm trung bình đối với các cặp vợ chồng Trung Quốc là 57µg /m3. Ở Luân Đôn, Vương quốc Anh, mức trung bình là khoảng 13µg/m3. Ngoài ra, một nghiên cứu khác gần đây trên 600 phụ nữ tại một phòng khám vô sinh ở Hoa Kỳ cho thấy việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí có liên quan đến việc giảm số lượng trứng rụng.

Các nhà khoa học kết luận: "Tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 có liên quan đến việc giảm khả năng sinh sản của con người, do thời gian thụ thai trung bình dài hơn và tỷ lệ vô sinh cao hơn. Do đó điều này có thể giải thích tỷ lệ vô sinh gia tăng ở các khu vực ô nhiễm bụi mịn PM2.5 nặng".

Ngoài ra, các yếu tố khác ảnh hưởng đến cơ hội mang thai cũng được đề cập đến trong nghiên cứu. Chúng bao gồm uống rượu, cân nặng, tuổi tác, hút thuốc và mức độ tập thể dục . Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phụ nữ không có thai sau nỗ lực 12 tháng đã tăng từ 15% lên 26% khi giữa những người sống ở nơi có không khí sạch với ở khu vực ô nhiễm nhất.

Ông Qin Li, người đứng đầu cuộc nghiên cứu và làm việc ở Trung tâm Sản khoa tại Bệnh viện Thứ Ba của Đại học Bắc Kinh, một đơn vị hỗ trợ sinh sản hàng đầu ở Trung Quốc cho biết những người sắp làm cha mẹ nên quan tâm đến vấn đề ô nhiễm không khí. Ông nói: "Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận rằng ô nhiễm không khí có liên quan đến nhiều khả năng bất lợi khi mang thai. 'Nghiên cứu chỉ ra rằng ô nhiễm hạt nhỏ có thể là một yếu tố gây vô sinh không thể lường trước được'. Ngoài ra, nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa không khí bẩn và chất lượng tinh trùng kém".

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus gần đây cho biết hít thở không khí ô nhiễm nên được xem như việc uống nước bẩn. Ông cảnh báo rằng vấn đề này sẽ gây tổn thất hàng nghìn tỷ đồng trên toàn thế giới.

Kim Ngọc (Theo Metro, The Guardian)