Một quản giáo áp giải tù nhân đến tòa án thành phố Phnom Penh, Campuchia - Ảnh: Khmer Times

Ông Kim Santepheap, quốc vụ khanh Bộ Tư pháp Campuchia, nói rằng cả hai nước đều sẽ hưởng lợi từ hiệp định này, song nói rõ hiệp định này có sự khác biệt với thỏa thuận dẫn độ, theo báo Khmer Times ngày 14-9.

"Hiệp định này sẽ cho phép chuyển giao những công dân đã bị kết án giữa hai nước. Trong một số trường hợp, gia đình của những người bị kết án có thể đề nghị chính phủ nước kia chuyển giao" - ông Santepheap giải thích.

Phát biểu với truyền thông địa phương, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh biểu dương các đội ngũ pháp lý của Việt Nam vì đã làm việc chặt chẽ trong thời gian qua để "hoàn thiện và giúp hiệp định quan trọng này trở nên có hiệu lực".

Đại sứ Vũ Quang Minh cho biết hiệp định sẽ giúp hai bên chuyển giao một số tù nhân nhất định để họ tiếp tục thụ án tại quê nhà. "Nhờ đó, gia đình các phạm nhân có thể đến thăm và động viên họ trong thời gian ở tù. Chúng tôi tin rằng đây là một việc làm nhân văn" - ông Vũ Quang Minh nói.

"Hơn nữa, hiệp định cũng phản ánh sự tin tưởng lẫn nhau và mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan hành pháp của hai nước" - Đại sứ nói thêm.

Ông Vũ Quang Minh cũng bày tỏ hi vọng rằng Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục nỗ lực chung để phát hiện và ngăn chặn các tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm tội phạm về buôn người, lạm dụng ma túy và buôn lậu, đồng thời giảm tỉ lệ tội phạm ở cả hai nước.

Ông Kin Phea - tổng giám đốc Viện Quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia - hoan nghênh động thái này. Ông nhận định hiệp định là "công cụ tư pháp tốt đề cao mối quan hệ hợp tác pháp lý tốt đẹp giữa hai nước".

Ông Phea cũng chia sẻ thêm rằng hai nước có các án phạt hình sự khác nhau. Án phạt hình sự tối đa ở Campuchia là tù chung thân, trong khi ở Việt Nam là tử hình. Ông Phea thừa nhận Campuchia có thể yêu cầu chuyển giao phạm nhân Campuchia bị tuyên án tử hình tại Việt Nam.

Trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 12-2016, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ ký kết 3 thỏa thuận hợp tác, trong đó có Hiệp định hỗ trợ qua lại về tư pháp trong lãnh vực phòng chống tội phạm giữa hai nước, và Hiệp định chuyển giao người bị kết án tù.

Bốn năm sau, dự thảo luật trên đã được Quốc hội Campuchia thảo luận và thông qua. Giải thích vì sao hiệp định mất nhiều thời gian như vậy mới có hiệu lực, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Campuchia Chin Malin cho biết đây là vấn đề thủ tục giữa hai nước, và cần thời gian để thảo luận.

"Điều đó không có nghĩa là hiệp định được thực hiện sau khi lãnh đạo hai nước ký kết. Hiệp định cần được từng nước thảo luận nội bộ trước khi nhận được sự chấp thuận của các cơ quan lập pháp tương ứng, cũng như các nguyên thủ quốc gia" - ông Malin làm rõ.

Ông Malin nói rằng sau khi hiệp định có hiệu lực, hai nước có thể yêu cầu lẫn nhau để những người bị kết án chấp hành án tù tại quốc gia của họ.

Theo tuoitre