leftcenterrightdel
 Huihui trong phòng điều trị đặc biệt.

Huihui (22 tuổi, nhân viên công ty công nghệ) được đồng nghiệp đưa vào viện cấp cứu sau nhiều ngày làm việc xuyên đêm.

Jimu News đưa tin Huihui (22 tuổi), nhân viên công ty công nghệ ở Hàng Châu, đã phải nhập viện cấp cứu sau 5 ngày tăng ca đêm liên tục. Câu chuyện nữ nhân viên đổ bệnh vì làm việc quá sức khiến cộng đồng mạng khắp Trung Quốc xôn xao.

Sau thời gian điều trị, Huihui đã qua đời vào ngày 26/7. Gia đình nạn nhân cho hay đã đưa thi thể cô về quê nhà Giang Tây để hỏa táng vào ngày 28/7.

Tăng ca liên tục

Theo thông tin từ Lu Xiao, bác sĩ điều trị chính, Huihui nhập viện vào ngày 9/7. Cô được đồng nghiệp đưa vào ICU (phòng điều trị tích cực) trong tình trạng ngưng tim, ngưng hô hấp, da tím tái, chẩn đoán viêm cơ tim. Sau một tuần điều trị, cô gái 22 tuổi vẫn không qua cơn nguy kịch.

Huihui đã phải tăng ca 5 đêm liên tục cho tới tận sáng, thông tin phê duyệt làm thêm giờ được lưu trên điện thoại di động của cô.

Thời điểm con gái phải cấp cứu, bố của Huihui cũng đã đăng video cầu cứu dân mạng, mong đòi lại công bằng cho con.

Ông chia sẻ hoàn cảnh gia đình thực sự khó khăn. Bố mẹ đã vay tiền cho con gái đi học đại học. Vừa ra trường, vì không muốn tăng thêm gánh nặng, Huihui đã lập tức đi xin việc và nỗ lực chăm chỉ kiếm tiền.

Gia đình cô có hai người con, nhưng con trai cả không may qua đời trong một vụ tai nạn vào năm 2015.

"Cuối cùng, chúng tôi cũng lại chịu cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh thêm một lần nữa. Con gái ra đi, để lại bố mẹ tuổi già cô quạnh", bố của cô xúc động nói.

Luật sư Chai Xin của công ty Beijing Dacheng (Vũ Hán) cho biết theo luật và quy định liên quan, trong trường hợp này, để xác định có phải tử vong do công việc hay không còn phụ thuộc vào việc nạn nhân có bị ốm đột ngột sau giờ làm việc, dựa vào vị trí và nơi làm việc.

Ngoài ra, nếu đơn vị có quy định bắt buộc làm thêm giờ thì cần phải chịu trách nhiệm pháp lý nhất định về cái chết của cô gái.

Vị luật sư nhấn mạnh các đơn vị sử dụng lao động không có quyền ép buộc nhân viên làm thêm giờ.

Theo quy định tại Điều 41 Luật Lao động của Trung Quốc, do nhu cầu sản xuất, hoạt động, người sử dụng lao động có thể kéo dài thời giờ làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức công đoàn và người lao động, nói chung không quá 1 giờ trong ngày.

Phía công ty nơi Huihui làm việc cho biết họ đang tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để giải quyết vụ việc. "Chúng tôi rất đau buồn về cái chết của nhân viên. Công ty đang phát động quyên góp và liên hệ để hỗ trợ gia đình", đại diện công ty nói.

Những cái chết vì làm việc quá mức

 Văn hóa "996" (làm việc 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần), ép nhân viên làm thêm đến kiệt sức, là vấn nạn tồn tại nhiều năm qua ở Trung Quốc, đặc biệt phổ biến trong các công ty công nghệ lớn.

Dù các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội tích cực đấu tranh để thay đổi, giải phóng người lao động, thực trạng này vẫn luôn diễn ra. Nhiều cái chết của nhân viên vì tăng ca, làm việc quá sức đã làm dấy lên cơn giận dữ trong dư luận.

leftcenterrightdel
Tăng ca liên tục, làm việc quá sức khiến nhân viên công nghệ ở Trung Quốc ám ảnh. 

Đầu năm nay, một nam nhân viên 25 tuổi của nền tảng video Bilibili đột tử, nguyên nhân được cho là làm việc quá sức.

Chiều 4/2, trong lúc làm việc, người này thấy không khỏe và được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Người giám sát, quản lý và giám đốc nhân sự của Bilibili đã có mặt sau khi nam nhân viên nhập viện. Khoảng 20h cùng ngày, người này qua đời vì xuất huyết não.

Tuy nhiên, đến ngày 6/2, trong một lá thư nội bộ, đại diện nền tảng này phủ nhận việc nam nhân viên qua đời do công việc.

Đến 8/2, công ty cho biết họ có kế hoạch thuê thêm 1.000 người trong năm nay, mở rộng nhóm kiểm duyệt nội dung nhằm "giảm áp lực công việc". Phía Bilibili cũng cho hay sẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe của nhân viên.

Trước tình trạng suy kiệt vì làm thêm quá mức, nhiều nhân viên thuộc các công ty công nghệ tại xứ tỷ dân cũng có những động thái phản đối. Tháng 10/2021, chiến dịch "Worker Lives Matter" được khởi xướng bởi các lập trình viên nhằm phản đối chế độ làm thêm giờ khắc nghiệt trong các doanh nghiệp lớn như Tencent, Alibaba.

Sự tức giận của công chúng về việc làm thêm giờ lên đến đỉnh điểm vào tháng 1/2021, khi một nhân viên 23 tuổi làm việc tại nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo đột ngột qua đời trên đường về nhà lúc 1h30 sáng.

"Chiến dịch do các lập trình viên Trung Quốc khởi xướng nhằm giải quyết tình trạng làm thêm giờ phổ biến và không được kiểm soát trong các công ty, bao gồm cả các công ty công nghệ. Nhân viên chúng tôi cũng cần cuộc sống", thông báo đính kèm cho biết thêm nhóm khởi xướng là các lập trình viên ẩn danh.

Sixth Tone đã phân tích 10 công ty công nghệ lớn được liệt kê trong cơ sở dữ liệu, bao gồm Tencent, Alibaba, Huawei, ByteDance và Baidu.

Hầu hết người được hỏi tự xưng là nhân viên các công ty này cho biết họ bắt đầu làm việc vào khoảng 10h và kết thúc vào 21h, có 3 giờ nghỉ cho bữa trưa và bữa tối. Hầu hết trong số đó làm 5 ngày/tuần, một số người làm 6 ngày/tuần.

Pinduoduo được cho là công ty có thời gian làm việc dài nhất, với những người được hỏi cho biết làm 6 ngày/tuần và không nghỉ trước 22h30.

Theo zingnews