leftcenterrightdel
 Ông Đặng Sỹ Dũng nhấn mạnh, cuốn sổ tay sức khỏe là tài liệu tham khảo rất hữu ích dành cho người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài

Tại buổi giới thiệu, ông Đặng Sĩ Dũng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước nhấn mạnh cuốn sổ tay sức khoẻ cho lao động đi làm việc ở nước ngoài là tài liệu tham khảo rất hữu ích dành cho người lao động, lần đầu tiên được xây dựng và lấy ý kiến đầy đủ của doanh nghiệp, người lao động, đối tác nước ngoài. Cuốn sổ tay này sẽ cung cấp những thông tin cần thiết, cô đọng về dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với người lao động đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Dũng cũng cho biết, sắp tới, cuốn sổ tay dành đối tượng lao động đi làm việc tại Đài Loan dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2023.

Tiến sỹ Aiko Kaji, Chuyên gia sức khỏe  người di cư của IOM tại Việt Nam cho biết, IOM đã và đang xây dựng các chương trình y tế dự phòng, điều trị y tế toàn diện cho người di cư, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền của người lao động trong quá trình di cư. Sổ tay sức khoẻ cho người Việt Nam làm việc ở hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc được các chuyên gia từ ba nước xây dựng kỳ vọng trở thành công cụ hỗ trợ hữu ích cho người lao động có ý định đi làm việc ở nước ngoài.

"Chúng tôi hy vọng cuốn sổ tay là công cụ có ý nghĩa hỗ trợ giúp lao động đang làm việc 2 thị trường này", tiến sĩ Aiko Kaji nói.

Thông tin về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài, ông Nguyễn Như Tuấn - Phó Trưởng phòng Thông tin và Tuyên truyền- Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, sau 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19, đến năm 2022, hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã khởi sắc trở lại. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các quốc gia tăng, vì thế lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng tăng theo. Từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã đưa được trên 122.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và vượt chỉ tiêu năm 2022.

Ông Tuấn cũng cho biết, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là hai thị trường trọng điểm chiếm tới 90% số lượng lao động nước ngoài hằng năm. Với xu hướng già hóa dân số hiện nay, các quốc gia này sẽ có nhu cầu lao động nước ngoài bù đắp lao động trong nước rất lớn. Vài năm tới, các thị trường này sẽ thu hút lượng lớn lao động nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam. Do đó, việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho lao động khi làm việc tại các thị trường này là hết sức cần thiết.

Cũng theo ông Tuấn, trước khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài đều được các công ty phái cử tổ chức giáo dục định hướng. Nội dung giáo dục như: Các hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; kiến thức cơ bản về pháp luật Việt Nam và pháp luật nước tiếp nhận; nội dung cơ bản các loại hợp đồng liên quan; kỹ năng tiết kiệm tiền gửi về trong nước; kỷ luật lao động, an toàn vệ sinh lao động; phong tục tập quán của nước tiếp nhận lao động;  thông tin địa chỉ nóng hỗ trợ lao động...

"Tuy nhiên, trong 12 nội dung đào tạo định hướng hiện nay chưa có nội dung chuyên biệt nào về sức khỏe. Vì thế, chúng tôi đánh giá cao các đơn vị có sáng kiến xây dựng cuốn sổ tay sức khỏe.", ông Tuấn nói.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Như Tuấn thông tin về tình hình lao động VN đi làm việc ở nước ngoài năm 2022

Theo bà Trần Thị Tuyết Lương, cán bộ Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư của IOM Việt Nam, trên thực tế nhiều người lao động làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản gặp khó khăn khi tiếp cận dịch vụ y tế đúng cách. Chẳng hạn, nhiều người không biết sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đúng cách, nhiều trường hợp phải trả khoản chi phí chênh lệch do đến cơ sở y tế sai tuyến… Nhiều người lao động có độ tuổi trẻ dưới 30 tuổi, thiếu kiến thức sinh sản, vẫn giữ thói quen mua thuốc không theo đơn…

Nội dung cuốn sổ tay sức khoẻ trả lời nhiều câu hỏi thực tế như "tôi bị ho và cảm thấy rất mệt, tôi có thể mắc bệnh gì," "tôi có thể trả góp chi phí điều trị y tế theo từng đợt được không," "khi muốn nghỉ phép do ốm, tôi phải làm gì," "tôi có cảm giác muốn tự tử, tôi nên làm gì"...

Cuốn sổ tay được trình bày dưới dạng song ngữ Việt-Nhật, Việt-Hàn sẽ cung cấp thông tin sử dụng bảo hiểm y tế, xử lý khi ốm đau hoặc mắc bệnh truyền nhiễm, chi phí khám sức khỏe, quyền lợi khi gặp tai nạn lao động, lưu ý người lao động đảm bảo sức khỏe khi thời tiết giao mùa, quan hệ tình dục an toàn... Cùng với đó, các số điện thoại, tư vấn khẩn cấp cũng được trình bày đầy đủ để người lao động có thể nhờ trợ giúp những vấn đề sổ tay chưa đề cập được hết.

Người lao động và doanh nghiệp có thể đăng ký nhận sổ miễn phí với IOM

hoặc tải sổ tay sức khỏe online tại địa chỉ https://mhwg.org.vn/vi/thu-vien/ 

Theo baodansinh