Nhóm dân số dễ bị tổn thương

Thông tin tại Hội thảo cho thấy, di cư là một hiện tượng mang tính toàn cầu. Trên thế giới hiện có 281 triệu người di cư trong tổng dân số gần 8 tỷ người; phụ nữ di cư chiếm 48% và lao động di cư chiếm 60%.

Ra mắt cuốn Sổ tay Sức khỏe người di cư cho lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: CPCS

Di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế - xã hội của bất cứ quốc gia nào. Người di cư gặp nhiều những khó khăn, thách thức tại nơi đến, nhất là di cư quốc tế. Những khó khăn, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, sự hiểu biết pháp luật, xa gia đình và người thân và cả việc tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ chăm sóc y tế sẽ tác động đến cuộc sống, sức khỏe, sức khỏe tinh thần của người di cư.

"Người di cư là một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương. Người di cư khỏe mạnh là lực lượng lao động quan trọng cho sức khỏe của doanh nghiệp, sức khỏe của nền kinh tế", các chuyên gia nhấn mạnh.

Cũng theo thông tin tại Hội thảo, dân số Việt Nam hiện nay là 98 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 66,6 triệu người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), chiếm 68% tổng dân số.

Số lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng cũng chắc chắn tác động rất lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam.

Ra mắt cuốn Sổ tay Sức khỏe người di cư cho lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: CPCS

Việt Nam là nước xuất cư. Hiện có khoảng 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hàng năm, số kiều hối chuyển về trong nước ước đạt 3-4 tỷ USD. Từ năm 2015 đến 2019, mỗi năm có trên 100 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (2019 là trên 152 nghìn người).

Các thị trường truyền thống và trọng điểm như Nhật Bản (250 ngàn lao động), Đài Loan (230 ngàn lao động), Hàn Quốc (40 ngàn lao động) và Malaysia (10 ngàn lao động). Thị trường Nhật Bản và Đài Loan chiếm trên 90% lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Theo lãnh đạo Tổng cục Dân số, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã chỉ đạo cần quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương trong đó có người di cư.

Ra mắt cuốn Sổ tay Sức khỏe người di cư cho lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc - Ảnh 3.

Bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Ảnh: CPCS

Trên cơ sở đó, Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư Việt Nam được Bộ Y tế thành lập năm 2021. Mục tiêu của Nhóm là hỗ trợ kỹ thuật, tham gia đóng góp xây dựng các chương trình liên quan đến di cư và sức khỏe người di cư, thúc đẩy sự tham gia, kết nối, chia sẻ giữa các bên liên quan trong lĩnh vực này.

Thành viên bao gồm các đại diện đến từ Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương bình và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và một số cơ quan của Liên Hợp Quốc như Tổ chức Di cư Quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới, cơ quan phòng chống AIDs Liên Hợp Quốc.

Cuốn sổ thân thiện với người di cư

Theo ông Lương Quang Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số, Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư Việt Nam đã sáng tạo ra Sổ tay sức khỏe người di cư. Cuốn sổ được xây dựng dưới hình thức hỏi - đáp, ngắn gọn, thiết kế bắt mắt do chuyên gia của Nhật Bản, Hàn Quốc thực hiện.

Ra mắt cuốn Sổ tay Sức khỏe người di cư cho lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc - Ảnh 4.

Cuốn sổ cung cấp những thông tin cơ bản về sức khỏe cho lao động Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc, bao gồm hệ thống y tế, bảo hiểm xã hội - y tế, an toàn lao động, phòng chống bệnh truyền nhiễm, sức khỏe sinh sản, tránh mang thai ngoài ý muốn, sức khỏe tinh thần, xây dựng lối sống lành mạnh, khỏe mạnh, những thông tin dẫn chiếu tham khảo, hỗ trợ và bảo hộ công dân.

Tại Hội thảo, bà Park Mihyung Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

"Chúng tôi đã làm việc với các bên có liên quan tại Nhật Bản và Hàn Quốc về thiết lập một nền tảng hợp tác nhằm bảo đảm sức khỏe người di cư Việt Nam và đã nhận được những phản hồi tích cực. IOM sẵn sàng làm việc với các bên về kế hoạch triển khai sổ tay nhằm nâng cao sức khỏe người di cư Việt Nam", Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam nhấn mạnh.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho biết: Sổ tay sức khỏe người di cư là sáng kiến của Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư Việt Nam. Trong quá trình xây dựng cuốn sổ, Nhóm Kỹ thuật đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ phía các cơ quan, các nghiệp đoàn, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người di cư, cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là điều đáng khích lệ và trân trọng.

Ra mắt cuốn Sổ tay Sức khỏe người di cư cho lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc - Ảnh 5.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau góp ý về cuốn Sổ tay sức khỏe người di cư để nhanh chóng hoàn thiện cuốn sổ, thân thiện với người di cư. Ảnh: CPCS

Theo người đứng đầu ngành Dân số, với mong muốn sớm đưa cuốn Sổ tay sức khỏe người di cư đến với người lao động di cư Việt Nam để hỗ trợ họ được an toàn, khỏe mạnh và được cung cấp những thông tin cơ bản về sức khỏe, sức khỏe tinh thần, sức khỏe sinh sản, về việc tiếp cận các điểm cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế… Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư trân trọng ghi nhận những ý kiến góp ý của các đơn vị, chuyên gia về di cư để hoàn thiện cuốn sổ hơn, đồng thời tiếp tục phối hợp với phía Hàn Quốc, Nhật Bản để cuốn sổ nhanh chóng đến được với người di cư.

Hơn nữa, thời gian tới, Nhóm Kỹ thuật sẽ phát triển Sổ tay sang phiên bản điện tử, liên tục được cập nhật, sửa đổi thông tin sao cho phù hợp và thân thiện nhất với người di cư. Đồng thời tiến tới xây dựng Sổ tay cho người di cư làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới như Đài Loan, Malaysia...

Theo giadinh.suckhoedoisong