leftcenterrightdel
 Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài tại ngày hội việc làm tổ chức tại TP HCM

Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Dolab), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vừa xử phạt hành chính nhiều doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Các hành vi vi phạm này chủ yếu liên quan đến việc không tuân thủ đúng quy định về hợp đồng và các yêu cầu về báo cáo tài chính.

Cụ thể, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguồn nhân lực Quốc tế Hùng Vương (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) bị phạt 135 triệu đồng do nộp chậm vào Quỹ Hỗ trợ Việc làm ngoài nước và không ghi rõ các thỏa thuận về chi phí dịch vụ trong hợp đồng với 3 lao động Việt Nam đi làm việc tại Macao (Trung Quốc).

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Hoàng Minh (quận Ba Đình, TP Hà Nội) bị phạt 130 triệu đồng với nhiều vi phạm như: không báo cáo đầy đủ tình hình hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, ký hợp đồng không đúng mẫu với 2 lao động đi Nhật Bản, không ghi rõ chi phí dịch vụ trong hợp đồng, nộp chậm vào Quỹ Hỗ trợ Việc làm ngoài nước và thanh lý hợp đồng không theo quy định với 3 lao động tại Nhật Bản.

Công ty CP Đào tạo Nhân lực Quốc tế T&G (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) bị phạt 12,5 triệu đồng do không cập nhật thông tin trên trang web, bao gồm danh sách nhân viên nghiệp vụ và cơ sở vật chất phục vụ cho chương trình giáo dục định hướng trước khi đưa lao động ra nước ngoài.

Trước đó, vào tháng 9, Dolab đã xử phạt Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguồn nhân lực Đông Anh (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) 27,5 triệu đồng do nộp chậm vào Quỹ Hỗ trợ Việc làm ngoài nước và ký hợp đồng không đúng mẫu đối với 1 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Dolab cũng đã xử phạt nhiều công ty khác với các lỗi như ký hợp đồng không đúng mẫu và không thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng cung ứng lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp xuất khẩu lao động toàn diện và thường xuyên hơn. Mục tiêu là không chỉ đảm bảo tính minh bạch và lành mạnh cho thị trường lao động quốc tế, mà còn tăng cường bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động Việt Nam.

Thông qua việc giám sát chặt chẽ, cơ quan chức năng kỳ vọng sẽ kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp lý gây thiệt hại về tài chính và quyền lợi cho người lao động khi họ ra nước ngoài làm việc.

Theo nld