Thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản có nhiều ưu điểm
|
|
Lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động Nhật Bản và làm việc trong ngành nông nghiệp. Ảnh: M.N |
Nhật Bản được biết đến như một quốc gia phát triển bậc nhất của Châu Á. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu quốc gia này cũng đứng trước khó khăn do tình trạng già hóa dân số. Nhận biết điều này, Nhật Bản đã phối hợp với nhiều quốc gia đưa chính sách hỗ trợ để các quốc gia tăng cường xuất khẩu lao động Nhật Bản.
Đặc biệt sau 2 năm đóng cửa vì dịch Covid-19, tới nay quốc gia này càng thiếu hụt lao động nghiêm trọng hơn, vì thế nhu cầu tuyển dụng lao động của Nhật Bản càng cao hơn bao giờ hết.
Xuất khẩu lao động Nhật Bản là một trong những công việc "hot" của lao động Việt Nam. Tính riêng năm 2019, cả nước đã có gần 70.000 người sang Nhật làm việc tại các cơ sở sản xuất của Nhật Bản. Dù còn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng trong 6 tháng đầu năm 2022, Nhật Bản tiếp nhận 32.053 lao động Việt Nam. Hiện tổng số lao động Việt sinh sống và làm việc tại Nhật đã lên tới con số hơn 100.000 người.
Dự kiến trong 5 năm tới Nhật Bản sẽ tiếp nhận thêm khoảng 345.000 lao động từ các quốc gia khác tới làm việc, trong đó có cả lao động Việt Nam.
Với Việt Nam, thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản là thị trường hot bởi lẽ ở đó có mức lương cao, công việc ổn định, môi trường hiện đại, chế độ phúc lợi tốt.
Điều kiện, hồ sơ khi xuất khẩu lao động Nhật Bản năm 2022
Về độ tuổi: Thông thường, điều kiện đi xuất khẩu lao động Nhật Bản về độ tuổi là từ đủ 18 – 35 tuổi. Ngoại trừ một số đơn hàng hợp đồng 1 năm lấy đến độ tuổi 40 hay một số đơn hàng đặc biệt khác. Tùy vào từng đơn hàng, nhà tuyển dụng Nhật Bản sẽ yêu cầu lấy độ tuổi khác nhau.
Tất cả lao động đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản phải tốt nghiệp cấp 2.
Về sức khỏe: lao động đi xuất khẩu ở Nhật Bản phải đảm bảo yêu cầu về sức khỏe và có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe đi làm việc ở nước ngoài từ cơ quan y tế của Việt Nam. Những lao động bị mắc các bệnh như lao phổi, tim, viêm gan B, mù màu, ….đều không đủ điều kiện đi xuất khẩu Nhật Bản.
Các lao động phải không mắc 13 nhóm bệnh không đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động Nhật Bản theo quy định của bộ y tế.
Bên cạnh đó, về thể lực, lao động nam phải cao từ 1m60 trở lên, nặng 50 kg trở lên, lao động nữ phải cao từ 1m48 trở lên, nặng 40kg trở lên
Về kinh nghiệm: Lao động đi xuất khẩu lao động Nhật Bản tùy từng đơn hàng sẽ được yêu cầu thi năng lực, hay thi đánh giá kinh nghiệm nghề. Thường thì những đơn hàng không yêu cầu kinh nghiệm gồm lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến thực phẩm, đúc nhựa, gia công cơ khí, hoàn thiện nội thất ô tô... Những đơn hàng yêu cầu kinh nghiệm thường là hàn – xì, điều khiển máy, may mặc.
Về điều kiện hồ sơ đi xuất khẩu lao động đi Nhật Bản: Lao động đi làm việc tại Nhật Bản phải làm hồ sơ có đầy đủ sơ yếu lý lịch, có giấy xác nhận dân sự của công an, phô tô công chứng chứng minh thư nhân dân, có ảnh chụp chân dung...
Lao động xin visa phải chưa tham gia chương trình xuất khẩu lao động Nhật Bản hay xin Visa vào Nhật Bản dưới mọi hình thức nào; Không mắc các tiền án, tiền sự hay đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Lao động sau khi đỗ đơn hàng, người lao động sẽ phải tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật trước khi xuất cảnh. Đây là điều kiện đi Nhật bắt buộc đối với bất kỳ lao động nào khi tham gia chương trình Xuất khẩu lao động Nhật Bản. Mục đích của khóa đào tạo này nhằm giúp lao động sớm thích nghi với cuộc sống và công việc khi đi lao động Nhật cũng như tiếp nhận đầy đủ kỹ năng trong quá trình làm việc tại nơi sản xuất.
Thời gian học tiếng dao động 4-6 tháng. Kết thúc khóa học, người lao động phải hiểu một cách cơ bản tiếng Nhật.
Chi phí khi lao động đi xuất khẩu lao động Nhật Bản năm 2022
Về chi phí đi xuất khẩu lao động Nhật Bản năm 2022 thường vào khoảng từ 1-3 tháng tiền lương (trợ cấp tu nghiệp). Cụ thể, Bộ LĐTBXH chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính quy định mức trần tiền dịch vụ như sau:
Mức trần tiền dịch vụ: Người lao động nộp tiền dịch vụ cho doanh nghiệp không quá một tháng tiền lương (hoặc tiền trợ cấp tu nghiệp) theo hợp đồng cho một năm làm việc; riêng sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá một tháng rưỡi tiền lương theo hợp đồng cho một năm làm việc. Tổng mức tiền dịch vụ tối đa không quá ba tháng lương theo hợp đồng/người/hợp đồng;
Mức tiền dịch vụ phải được ghi rõ trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký kết giữa doanh nghiệp và người lao động;
Tiền lương theo hợp đồng (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền dịch vụ là tiền lương cơ bản không bao gồm: tiền làm thêm giờ, tiền thưởng và các khoản trợ cấp khác. Riêng đối với sĩ quan, thuyền viên tàu vận tải biển, tiền lương theo hợp đồng (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền dịch vụ là tiền lương bao gồm lương cơ bản và lương phép.
Từ cuối 2018 trở về trước, chi phí để đi xuất khẩu lao động Nhật Bản rơi vào khoảng 170 triệu đến hơn 200 triệu đồng. Bắt đầu từ đầu năm 2019 đến nay Bộ LĐTBXH đã làm chặt các công ty thu phí cao và hầu hết các công ty làm dịch vụ đưa người đi lao động Nhật Bản đều giảm phí.
Theo tính toán, mức tiền phí đi xuất khẩu lao động Nhật Bản trong năm 2022 rơi vào khoảng từ 60-80 triệu đồng/1 người/1 hợp đồng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp hoặc đơn vị có môi giới có thể thu cao hơn. Lao động cần lưu ý để tránh bị cò mồi môi giới thu phí cao hơn so với quy định.
|
|
Lao động Việt Nam thu hoạch hành cho các trang trại Nhật Bản. Ảnh: N.T |
Ngoài ra, các lao động cũng lưu ý, phí dịch vụ đi xuất khẩu lao động Nhật Bản còn phụ thuộc vào hợp đồng lao động đi làm việc là 1 năm hay 3 năm.
Thường thì những đơn hàng đi Nhật 1 năm và đơn hàng làm ngoài nhà xưởng sẽ có chi phí rẻ hơn đơn hàng 3 năm và đơn hàng làm trong nhà xưởng.
Tiền lương cho lao động đi xuất khẩu lao động Nhật Bản trong năm 2022
Về mức lương: Lương của lao động đi xuất khẩu lao động Nhật Bản có thể dao động trong khoảng 20-35 triệu đồng/người chưa kể tăng giờ làm thêm. Với các kỹ sư mức lương này có thể cao hơn gấp 2 lần, khoảng trên 20 man, khoảng từ 40 -50 triệu đồng.
Lương của người lao động áp theo luật lao động Nhật Bản, mức lương này tính theo giờ làm việc, mỗi giờ nhận được từ 650 – 850 Yên/giờ. Yêu cầu 8 tiếng/ngày, mỗi tuần từ 40 – 44 tiếng.
Theo quy định chính phủ Nhật Bản, người lao động làm việc trong nhà máy, xí nghiệp Nhật chỉ làm việc hành chính tối đa 8h/ngày (thứ 2 – thứ 6). Nếu người lao động làm việc ngoài giờ hành chính các doanh nghiệp sẽ phải trả thêm tiền lương cho người lao động và khoản tiền lương này được tính là tiền lương tăng ca với mức lương như sau:
Làm thêm giờ ngày bình thường (vượt quá 8 giờ quy định) + 25% lương cơ bản
Ngày nghỉ (thứ 7, chủ nhật) +35% lương cơ bản.
Làm từ 22h – 5h sáng +50% lương cơ bản + phụ cấp ăn đêm trực tiếp vào lương
Làm việc vào ngày lễ tết + 200% lương cơ bản
Bên cạnh đó nhiều lao động cũng băn khoăn đi Nhật Bản về được bao nhiêu tiền? Theo tính toán của lao động từng đi làm việc ở Nhật Bản thì lao động đi xuất khẩu lao động Nhật Bản trong 3 năm sẽ có thể tiết kiệm được từ 300-500 triệu đồng. Ngoài khoản tiền tiết kiệm từ tiền lương, chi phí ăn ở, lao động khi về nước còn được hỗ trợ một khoản tiền làm vốn làm ăn, trị giá khoảng 100-130 triệu đồng.
Những lưu ý khác khi lao động đi xuất khẩu lao động Nhật Bản
Lao động đi làm việc tại Nhật Bản cần phải lưu ý tới môi trường làm việc, khí hậu, văn hóa...
Nhật Bản nổi tiếng như là quốc gia có môi trường làm việc kỷ luật, nghiêm khắc, vì vậy lao động khi đi xuất khẩu lao động Nhật Bản cũng cần phải tuân thủ nguyên tắc lao động này.
Bên cạnh đó, văn hóa, thói quen ăn uống cũng có sự khác biệt, lao động cần phải chủ động thích nghi.
Thời tiết Nhật Bản cũng khá lạnh, có thời điểm còn âm độ nên lao động phải chuẩn bị quần áo ấm để mặc.
Đặc biệt, khi đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, lao động không được bỏ trốn, lao động phải tuân thủ quy định quản lý lao động của doanh nghiệp và các nghiệp đoàn.
Theo danviet