Vì vậy, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh tổ chức kiểm soát chặt lao động di cư tự do đi làm việc ở nước ngoài, tập trung ở 5 thị trường: Thái Lan, Angola, Trung Quốc, Liên bang Nga và Lào (chiếm đến 85% tổng số lao động di cư tự do của Hà Tĩnh). Thời gian qua, một mình Sở khó kiểm soát được tình hình, không có hồ sơ theo dõi những lao động đi xuất khẩu lao động tự do ở các thị trường này.

Lao động Việt Nam làm việc tại một công trình xây dựng ở tỉnh Huambo, Angola. (Ảnh: THANGLONGOSC.EDU.VN)

Theo thông tin của Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam ở Angola, hiện có khoảng 30.000 đến 40.000 người Việt Nam, tập trung chủ yếu tại thủ đô Luanda, chia thành 3 nhóm chính:

Nhóm 1 là các chuyên gia y tế, nông nghiệp và giáo dục đã sang Angola làm việc theo các Thỏa thuận về hợp tác lao động ký giữa hai Chính phủ từ nhiều năm trước. Thu nhập của họ trung bình 2500-4000 USD/tháng (tùy thuộc vào bằng cấp, học vị). Số chuyên gia Việt Nam hiện ở Angola là 183 người.

Nhóm 2 là người thân của các chuyên gia thuộc nhóm 1, ban đầu xin visa du lịch vào Angola, sau đó tìm cách hợp pháp hóa giấy tờ, đầu tư kinh doanh tại Angola và xin thẻ cư trú tại Angola. Chủ yếu nhóm này là những người buôn bán, kinh doanh dịch vụ quy mô nhỏ, thầu xây dựng nhỏ. Đối với lao động xây dựng, nếu có công việc đều thì thu nhập khoảng 800-1.000 USD/tháng. Người lao động không có bảo hiểm; trong trường hợp ốm đau, tai nạn... chủ thầu sẽ trả viện phí nhưng khá bấp bênh.

Nhóm 3 là những lao động phổ thông và lao động có nghề xây dựng ở nhiều mức độ khác nhau, sang Angola trong thời gian một vài năm gần đây với các hình thức: Theo hạn ngạch lao động Việt Nam do các công ty Trung quốc xin và “bán” lại cho những cá nhân là người Việt Nam tại Angola. Những người này hợp tác với các cá nhân ở Việt Nam để tuyển lao động, xin visa lao động tại Đại sứ quán Angola tại Việt Nam (trước đây chưa có Đại sứ quán Angola tại Việt Nam thì xin tại Đại sứ quán Angola tại Trung Quốc). Một bộ phận khác sang Angola bằng visa du lịch có thời hạn 3 tháng (sau đó tìm cách để chuyển thành visa lao động), thông qua một số người Việt tại Angola hợp tác với các cá nhân tại Việt Nam tổ chức.

Lao động sang Angola theo các hình thức nói trên phải chịu chi phí lớn (khoảng 6.500 USD), trong đó riêng chi phí làm visa lao động khoảng 2.000 USD nộp cho Đại sứ quán Angola.

Về quy chế pháp lý của lao động, mặc dù về hình thức phần lớn người lao động có visa lao động nhưng do không làm việc cho chủ sử dụng lao động được cấp hạn ngạch cho lao động nên vẫn là lao động không hợp pháp. Nếu lao động bị cảnh sát bắt, chi phí để được thả có thể lên đến vài chục hoặc vài trăm USD cho 1 lần. Nặng hơn, lao động có thể phải trả hàng nghìn USD để không bị trục xuất.

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh, tổng số lao động của tỉnh đang làm việc ở các thị trường nước ngoài tính đến cuối năm 2015 là 51.426 người (bằng 10% tổng số lao động cả nước đang làm việc ở nước ngoài). Riêng tại thị trường Angola, số lao động của tỉnh là 7.176 người (chiếm 13,95%).

“Chúng tôi từng cấp phép cho một vài doanh nghiệp thí điểm đưa lao động đi làm việc tại Angola nhưng hiện nay không doanh nghiệp nào dám đưa thêm lao động vào thị trường Angola vì quá rủi ro. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người lao động không nên đi làm việc tại Angola theo những kênh không chính thức bởi đây là thị trường không an toàn”.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước

Phụ nữ Việt Nam