Chiều 21/5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Dự thảo này gồm 8 chương và 79 Điều; dự thảo được sửa đổi nhằm giải quyết 6 chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trước đây và đáp ứng các yêu cầu, cụ thể: Giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế.
Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây. Cùng với đó, điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.
Thẩm tra dự án luật này, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 4), Ủy ban thấy rằng, quy định về chính sách của Nhà nước đã được sửa đổi theo hướng bổ sung và cụ thể hóa các chính sách để khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo làm rõ chính sách "Bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; có các biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động nữ làm việc ở nước ngoài trong những công việc và nơi làm việc nhạy cảm về giới" đã được bổ sung tại khoản 5, nhưng chưa được cụ thể hóa trong dự thảo Luật.
Theo đó, Ủy ban ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định phù hợp để bảo đảm bình đẳng giới thực chất về quyền, lợi ích của lao động về tiếp cận thông tin; các quyền liên quan đến việc làm; quyền được tôn trọng, không bị xâm phạm thân thể, nhân phẩm; những vấn đề tài chính như các khoản phí và việc chuyển tiền lương về nước; quyền tiếp cận và thụ hưởng chính sách sau khi hết hạn hợp đồng trở về; cụ thể hóa các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ lao động nữ.
Bên cạnh đó, nội dung được đông đảo cử tri quan tâm là chính sách đối với người lao động sau khi về nước (khoản 6 Điều 4 và Điều 61, Điều 62, Điều 63). Theo bà Nguyễn Thúy Anh, việc bổ sung các quy định mới về chính sách đối với người lao động sau khi về nước nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ của địa phương đối với người lao động sau khi về nước.
Tuy nhiên, các quy định này cần phải được đánh giá tác động một cách đầy đủ, toàn diện, làm rõ trách nhiệm, tính khả thi về quản lý, nhân lực, khả năng của ngân sách nhà nước trung ương và địa phương.
Tuyển dụng lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh minh họa
Từ năm 2018, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã báo cáo về Kết quả giám sát chuyên đề Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2010-2017, qua đó cho thấy, hầu hết các địa phương không nắm được số lượng lao động về nước (cả lao động hoàn thành hợp đồng và lao động về trước hạn), do đó không triển khai được chính sách hỗ trợ đáng kể đối với nhóm đối tượng này.
Cơ quan quản lý nhà nước về lao động chưa có biện pháp để quản lý, kết nối, phát huy, sử dụng năng lực, kinh nghiệm của nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài khi về nước, trong khi nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có nhu cầu lớn đối với nguồn lao động này nhưng không tuyển dụng được; nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước thiếu thông tin để có thể tìm kiếm việc làm mới phù hợp; ít có cơ hội để áp dụng kỹ năng, kinh nghiệm đã tích lũy trong thời gian lao động ở nước ngoài, phần lớn người lao động tự tìm việc làm, hoặc tự tạo việc làm trong điều kiện thiếu các cơ chế hỗ trợ để khởi nghiệp.
Trên cơ sở đó, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo nghiên cứu và cụ thể hóa các chính sách đối với lao động sau khi về nước theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, người lao động theo nhóm nội dung, cụ thể: Theo dõi, nắm bắt để quản lý tốt người lao động sau khi về nước; Cơ chế, chính sách hỗ trợ tái hòa nhập; Hỗ trợ thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động nhằm tìm kiếm việc làm, khai thác, phát huy nguồn lao động có chất lượng chuyên môn, kỹ thuật cung cấp cho các đơn vị sử dụng lao động và khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
PV