leftcenterrightdel
 Anh Nguyễn Minh Cường (đội mũ len) cùng đồng nghiệp du lịch khám phá trong một kỳ nghỉ lễ tại Nhật Bản

Chị Nguyễn Thị Giang (SN 1993, quê Hà Nội) sau khi kết thúc hợp đồng 3 năm với công ty chế biến thực phẩm tại TP Sendai, tỉnh Miyagi đã trở về nước chuyển đổi visa từ chương trình thực tập sinh (TTS) kỹ năng sang visa du học rồi trở lại Nhật Bản vừa học vừa làm.

Lý giải nguyên do, chị Giang cho biết phần đông lao động Việt tại Nhật khi hoàn thành chương trình TTS kỹ năng hoặc đi theo diện du học sinh sẽ chuyển sang visa kỹ năng đặc định để có thời gian làm việc và mức thu nhập tốt hơn, hiếm ai đi ngược như chị. Song Giang cho rằng hướng đi của mình là đúng bởi đã có thời gian dài tìm hiểu, định hướng kỹ càng. Chị còn khẳng định bản thân có chút tiếc nuối vì không chọn đường đi này sớm hơn.

Hiện chị Giang đang theo học hệ cao đẳng ngành biên - phiên dịch tại tỉnh Osaka và làm thêm tại một cửa hàng tiện lợi cách nơi học khoảng 3 km. "Dù chỉ làm 4 giờ/ngày nhưng thu nhập hằng tháng của tôi từ 110.000 - 130.000 yen (khoảng 18 - 22 triệu đồng) mà không phải đóng khoản thuế nào. Trong khi trước đây thu nhập khi còn là TTS kỹ năng sau khi trừ các khoản thuế chỉ còn 140.000 - 160.000 yen (khoảng 23 - 27 triệu đồng)" - chị Giang phân tích. Ngoài thời gian làm việc tại cửa hàng, chị còn nhận biên dịch hồ sơ, sách... mỗi tháng kiếm thêm từ 30.000 - 40.000 yen (5 - 7 triệu đồng).

Còn anh Nguyễn Minh Cường (SN 1997, quê Vĩnh Long) lựa chọn du học Nhật Bản ngay sau khi tốt nghiệp THPT. Sau 6 tháng học tiếng Nhật chỉ đạt trình độ N4, do đó những tháng đầu đến Nhật anh khá chật vật khi giao tiếp. Nhưng từ lúc có công việc làm thêm tại nhà hàng đã giúp Cường nhanh chóng cải thiện khả năng ngoại ngữ. Anh Cường cho hay du học sinh đi làm thêm hưởng lương 100% như người Nhật, được tự do lựa chọn công việc phù hợp, nhất là không bị trừ thuế. Vậy nên, khi so sánh về thu nhập với TTS thì sự chênh lệch không nhiều cũng là điều dễ hiểu.

Kể về việc làm hiện nay, Cường cho biết nhà hàng nơi anh làm có chủ đối xử tốt và luôn tạo điều kiện về thời gian để du học sinh vừa có thu nhập vừa lo việc học. Sau khi tốt nghiệp vào tháng 3-2020, với khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật tốt đã giúp Cường được chủ cất nhắc lên vị trí quản lý. Hiện thu nhập của anh đã tăng 2,5 lần so với trước. "Nhà hàng hiện có 20 nhân viên, trong đó du học sinh chiếm 1/3. Mỗi giờ làm việc được trả 1.000 yen (khoảng 160.000 đồng) và bữa cơm chiều. Những ngày cuối tuần đắt khách nếu tăng ca từ 22 giờ trở lên sẽ được tính thêm 25% lương" - Cường nói.

Bà Hà Cảnh, sáng lập và điều hành Công ty Tokai (có trụ sở tại Nhật Bản), cho biết ở Nhật quy định rất rõ ràng về thời gian du học sinh được phép đi làm. Tùy theo công việc mà số buổi đi làm trong tuần và số giờ làm trong ngày sẽ khác nhau nhưng không được làm quá thời gian quy định để không ảnh hưởng đến kết quả học tập. "Du học sinh cần cân bằng giữa việc học và làm, trong đó phải ưu tiên việc học hơn. Ngoài ra, cũng nên dành nhiều thời gian để trải nghiệm thực tế, học hỏi nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho sự nghiệp tương lai" - bà Cảnh khuyên.

Theo nld