leftcenterrightdel
 Giấc mơ làm phi công của Khanh đã trở thành sự thật

Mạch Thị Thùy Khanh (25 tuổi), cô gái đang là cơ phó huấn luyện của Hãng Pacific Airlines có những chia sẻ về hành trình trở thành phi công của mình.

Tốt nghiệp đại học kiến trúc nhưng mê làm phi công

8 năm trước, khi còn học THPT, Khanh chưa định hướng được mình sẽ chọn ngành nghề gì ở ĐH. Sẵn tính thích vẽ vời, mơ mộng của tuổi trẻ, Khanh “nhắm mắt” thi vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Từ cô gái không biết nhiều về vẽ, sau 3 tháng ôn luyện, Khanh đã thi đậu vào ngành thiết kế đồ họa của trường.

Chuyến bay đầu tiên trong đời là khi được ngồi trong khoang lái, cùng thầy bay lên cao, chân nhả thắng, tay được đẩy cần ga và bánh lái là tôi thấy mình đã có chọn lựa đúng đắn.

Mạch Thị Thùy Khanh, cơ phó huấn luyện của Hãng Pacific Airlines

4 năm theo đuổi sự học, Khanh tốt nghiệp ra trường. Thế nhưng, bản thân Khanh luôn hướng tới sự tự do, trải nghiệm những điều mới mẻ. “Tôi từng làm nhiều việc, nhiều vị trí khác nhau khi còn đi học. Tôi cứ ôm đồm, ôm việc về nhà sau giờ làm. Rồi một ngày tôi nhận thấy công việc này không dành cho mình nữa. Thế là tôi từ bỏ…”, Khanh nói.

Trong những năm ĐH, Khanh luôn nghĩ về nghề phi công, nghĩ về “cánh chim sắt”, mong được thỏa tầm mắt với bầu trời bao la. Kể từ đó cô luôn thôi thúc bản thân phải theo nghề. Khanh cố thuyết phục gia đình cho đi học phi công và hỗ trợ vì học phí quá đắt đỏ. Không ai nghĩ cô gái này lại chọn học một nghề ít người nghĩ dành cho phái nữ.

“Tôi biết mình đã lựa chọn đúng”

Nghề phi công học khó, với những yêu cầu khắt khe, nếu không kiên trì mọi thứ dễ đổ bể giữa chừng. Đã từng có nhiều học viên người Việt bỏ ngang vì không theo nổi. Với Khanh, cô không cho phép mình rơi vào trường hợp đó, bởi khoản tiền vay mượn quá lớn, niềm tin của ba mẹ đều đặt lên vai cô con gái nhỏ. Khanh tự “nắn” bản thân không được bỏ cuộc, tiến lên bằng bất cứ giá nào. Cô sống gói ghém, luôn đến trường mỗi ngày, không bỏ buổi bay nào.

“Chuyến bay đầu tiên trong đời là khi được ngồi trong khoang lái, cùng thầy bay lên cao, chân nhả thắng, tay được đẩy cần ga và bánh lái là tôi thấy mình đã có chọn lựa đúng đắn”, Khanh rưng rưng tâm sự.

leftcenterrightdel
Mạch Thị Thùy Khanh trong lần học lái máy bay tại Mỹ - NVCC 

Khanh nói rằng muốn làm phi công phải học nhiều thứ, rất khó như: tâm lý, luật, khí tượng, vật lý, kỹ thuật hàng không, sinh học cơ thể… Từ khi học, Khanh đã ý thức tầm quan trọng của người phi công trong chuyến bay. Bởi lẽ phía sau cô sẽ là hàng trăm người và toàn bộ ê kíp phục vụ. Cho nên học nghề phi công không được lơ là.

Sau 1 năm học, Khanh cũng hoàn thành xuất sắc cùng 3 tấm bằng lái máy bay cơ bản, mơ ước được làm phi công đã thành hiện thực.

Nhắc đến phi công, nhiều người thường mặc định là nam giới. Tuy nhiên, vẫn có nữ giới làm phi công và Khanh cũng đang là một trong những trường hợp như vậy. Dù phi công nữ khó khăn về gia đình, khi có thai, sinh con phải ngừng bay kéo dài đến một năm rưỡi. Khi muốn quay lại, nữ giới sẽ huấn luyện nhiều thứ trước khi trở lại bầu trời. “Với tôi nam giới làm được thì nữ cũng sẽ làm được”, Khanh nói.

Tính cách bên ngoài của nữ phi công trẻ này mạnh mẽ nhưng bên trong đôi lúc lại yếu mềm. Khanh nói đã từng 3 lần khóc hết nước mắt vì áp lực học tập. Lần đầu Khanh khóc vì bị thầy la mắng khi bay ở sân bay mới. Cô mất tự tin khi hạ và cất cánh, không biết có thể làm được hay không. Lần thứ hai Khanh và giáo viên bất đồng, không hiểu nhau. Lần khóc thứ ba khi Khanh gặp lại giáo viên cũ nhưng vẫn chưa hoàn thành bài thực hành, cô thất vọng bản thân.

leftcenterrightdel
Khanh từng từ bỏ bằng ĐH trường kiến trúc để học phi công 

Cô gái đa tài

Rời nước Mỹ về Việt Nam, Khanh được nhận vào một hãng hàng không. Cô tiếp tục học tại TP.HCM và Singapore. Nữ phi công đã có hơn 300 giờ bay này hiện là cơ phó huấn luyện và đã chuyển hạng máy bay Airbus A320.

Nhìn lại hành trình học gian nan vừa qua, Khanh cảm thấy bản thân trưởng thành hơn, hiểu biết được nhiều hơn.

Khanh cũng gửi đến các bạn nữ khi có niềm đam mê nghề phi công hãy đặt quyết tâm cao nhất, bắt đầu sớm nhất khi đủ điều kiện. Cố gắng vượt qua rào cản giới tính, nam giới quyết tâm một còn nữ quyết tâm mười. Đi đến cùng với sự lựa chọn của mình. Như vậy mới có thể thành công và theo đuổi con đường làm nữ phi công.

Hiện tại, ngoài giờ huấn luyện bay, nữ phi công 9X này còn là một blogger của kênh YouTube cá nhân. Khanh tự tin nói trước ống kính, chia sẻ nghề phi công với những bạn trẻ khác và nhận được sự quan tâm nhiệt tình. Khanh tự mình quay, dựng và làm đồ họa cho từng video của mình. Tự tạo “trending” (xu hướng) và nội dung cá nhân. Đó là sự khác biệt lớn của giới trẻ hiện đại với lớp đàn anh trước kia. “Ít nhất tấm bằng ĐH đồ họa tôi không phải bỏ phí, vẫn còn sử dụng cho một mục đích khác trong cuộc sống này”, Khanh chia sẻ.

Theo thanhnien