Nữ phi công tuổi teen truyền cảm hứng mới về quyền bình đẳng
Cập nhật lúc 11:44, Thứ sáu, 28/01/2022 (GMT+7)
Là cô gái trẻ nhất bay một mình khắp thế giới, Zara Rutherford phá bỏ mọi định kiến giới và được ca ngợi là hình mẫu phụ nữ hiện đại.
|
|
Nữ phi công người Anh gốc Bỉ Zara Rutherford vui mừng sau khi hạ cánh xuống Wevelgem, Bỉ ngày 20/1, hoàn thành hành trình kỷ lục 155 ngày quanh trái đất - Ảnh: EPA-EFE |
155 ngày bay vòng quanh thế giới
Ở tuổi 19, cô gái người Anh gốc Bỉ Zara Rutherford là phụ nữ trẻ nhất lập kỳ tích và cũng làm nên lịch sử khi thực hiện hành trình một mình vòng quanh thế giới trên một chiếc máy bay siêu nhẹ. Một thành tích đòi hỏi kỹ năng, sự kiên nhẫn, thần kinh thép và bản lĩnh. Với phụ nữ, điều này còn đòi hỏi sự sẵn sàng phá bỏ mọi định kiến giới để theo đuổi đam mê của bản thân.
Rutherford mất 155 ngày để bay vòng quanh trái đất. Xuất phát theo hướng tây từ Flanders (Bỉ), cô gái đã bay qua 31 quốc gia thuộc năm châu lục để hoàn thành quãng đường 52.000km. Nữ phi công tuổi teen sử dụng loại máy bay không có các thiết bị cần thiết để bay vào ban đêm hoặc xuyên qua các đám mây. Cô gái đã vượt qua tất cả trở ngại trên hành trình chinh phục bầu trời trong tình trạng chưa trải qua huấn luyện đối phó với các tình huống khẩn cấp như cháy rừng ở California, nhiệt độ băng giá ở Nga, giông bão ở vùng xích đạo, sương mù ở Ấn Độ hay bão sa mạc ở Ả Rập Xê Út. Rutherford đã bay với một hoài bão lớn bởi cha mẹ đều là phi công và cô đã nuôi dưỡng tham vọng thực hiện điều đó từ năm 14 tuổi.
Ngoài cha mẹ, nguồn cảm hứng của Rutherford còn đến từ hai phụ nữ tiên phong trong ngành hàng không vũ trụ, đó là Amelia Earhart - phi công người Mỹ và Valentina Tereshkova - nhà du hành vũ trụ người Nga. Cô gái hy vọng thành tích của mình sẽ khuyến khích nhiều nữ sinh trung học ham học các môn STEM hơn để có thể trở thành kỹ sư, nhà khoa học và phi công. Dù công việc trong lĩnh vực STEM mang lại mức lương khá cao, nhưng Liên Hiệp Quốc phát hiện chỉ có 28% nhà nghiên cứu là nữ. “Sự thiếu đại diện của phụ nữ tạo ra một lực kìm hãm nền kinh tế toàn cầu và sự phát triển bền vững”, Rutherford bình luận.
Phụ nữ lên cùng trăng để bình đẳng xuống trái đất
Đã hơn 50 năm ngày phi thuyền Apollo 11 đáp lên mặt trăng nhưng ít ai biết rằng “bước nhảy vọt khổng lồ của nhân loại” này đã có sự đóng góp của những phụ nữ “vô hình” ngồi trong phòng điều khiển mặt đất. Tại hậu trường, sứ mệnh của họ trải rộng từ kỹ thuật giúp hạ cánh an toàn cho đến các cống hiến với tư cách nhà hóa học, lập trình viên, toán học, kỹ thuật viên, thậm chí cả thợ hàn.
Năm 1963, sự kiện Valentina Tereshkova - phi hành gia Liên Xô - trở thành phụ nữ đầu tiên bay vào không gian đã cho thấy việc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) “bỏ quên” các nữ phi hành gia là sai. Bà Clare Boothe Luce - cựu dân biểu Đảng Cộng hòa - viết trong bài xã luận năm 1964: “Mỹ đã có thể là nước đầu tiên đưa một phụ nữ lên vũ trụ chỉ bằng cách đơn giản là dám quyết định như vậy mà thôi”. Tới 20 năm sau, mới có một phụ nữ Mỹ đầu tiên đi vào quỹ đạo vào năm 1983.
Ngày nay, thế hệ phi hành gia của NASA có đến 50% là phụ nữ, nhưng chương trình không gian vẫn đậm dấu ấn lịch sử nam giới thống trị. Vào tháng 3/2021, NASA hủy bỏ chuyến đi bộ không gian đầu tiên dành cho nữ trên Trạm Vũ trụ quốc tế chỉ vì lý do không có đồ vũ trụ… size nữ. Sự kiện này khiến tiến sĩ Joan Johnson-Freese, chuyên gia hàng đầu về an ninh không gian quốc gia thuộc Trường cao đẳng Quốc phòng Hải quân Mỹ - cho rằng, cần giải quyết ngay khoảng cách giới, không chỉ trong chính sách thăm dò không gian mà còn trong các lĩnh vực STEM.
NASA đã đưa ra chương trình trở lại mặt trăng vào năm 2024 và sẽ có một phụ nữ trong phi hành đoàn. Thực tế, việc vượt qua lực hấp dẫn của trái đất không là gì so với việc vượt qua sự bất bình đẳng. Như đã nói, anh hùng thầm lặng trong hành trình khám phá không gian của nhân loại vào mọi thời điểm đều có bóng dáng phụ nữ. Kỷ lục bay vòng quanh trái đấy của Zara Rutherford hôm 20/1 mở ra cảm hứng mới cho những ai muốn chiến thắng bất bình đẳng.
Theo phunuonline