Hỗ trợ lao động nữ di cư vùng biên giới
Cập nhật lúc 08:55, Thứ sáu, 26/03/2021 (GMT+7)
Đó là một trong những nội dung quan trọng của buổi làm việc giữa Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga và ông Chang-Hee Lee, Giám đốc quốc gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, vào ngày 25/3 ở Hà Nội.
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga và Giám đốc quốc gia ILO tại Việt Nam Chang-Hee Lee
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hà Thị Nga nhấn mạnh, Hội LHPN Việt Nam đang phát huy vai trò chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ tham gia công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Hội cũng chuẩn bị Đại hội Phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 13. Hiện Hội LHPN Việt Nam tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án lớn như hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp nữ phát triển bền vững, tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số; xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo…
Bên cạnh đó, Hội LHPN Việt Nam đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030.
Năm 2020, Hội đã phối hợp với ILO, UN Women tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo sửa đổi Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả hội thảo là căn cứ quan trọng để Hội thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo Luật này. Hội đã xây dựng tài liệu phát tại kỳ họp quốc hội, xây dựng 3 văn bản góp ý, phản biện, trong đó có 6/9 ý kiến góp ý của Hội đã được tiếp thu.
Việc làm bền vững, an sinh xã hội hiện là những vấn đề Hội rất quan tâm; tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề giới trong các lĩnh vực này: khoảng cách về trả lương giữa nam và nữ; phụ nữ dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp. Thời gian vừa qua, ảnh hượng nặng nề của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu… khiến những thách thức đó trở nên lớn hơn, đặc biệt với các nhóm phụ nữ đặc thù.
Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan tới di cư lao động. Tại các tỉnh giáp biên có nhiều phụ nữ di cư lao động không chính thức qua biên giới. Hội LHPN Việt Nam mong muốn hợp tác với ILO và các đối tác để hỗ trợ các nhóm đối tượng này. Qua đó nhằm đảm bảo việc làm, thu nhập và quyền lợi của chị em.
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga và Giám đốc quốc gia ILO tại Việt Nam Chang-Hee Lee
Giám đốc quốc gia ILO Chang-Hee Lee đánh giá cao các hoạt động của Hội LHPN Việt Nam thời gian qua. Ông Chang-Hee Lee khẳng định rằng giữa Hội LHPN Việt Nam và ILO có cùng mối quan tâm chung về vấn đề thu hẹp khoảng cách lương, lao động nữ, phụ nữ di cư vùng biên giới, doanh nghiệp nữ. Hai bên sẽ hợp tác, sớm triển khai hoạt động chung về các vấn đề trên. Hai bên cũng dự kiến phối hợp tổ chức một số hội nghị, hội thảo về bình đẳng giới trong hệ thống pháp luật bảo hiểm xã hội tại Việt Nam, an sinh xã hội.
Tin, ảnh: Ngự Bình