|
|
Sinh viên tại Trường Cao Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 (tỉnh Đồng Nai) được đào tạo bài bản về ngoại ngữ và kỹ năng nghề trước khi sang CHLB Đức làm việc |
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), mỗi năm có hơn 100.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Đến nay, có khoảng 650.000 người đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong hơn 30 nhóm ngành nghề. Đặc biệt, châu Âu, bao gồm Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức, có nhu cầu lớn về lao động, nhưng số lao động Việt Nam tại đây còn hạn chế.
Bộ LĐ-TB-XH cho biết, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, nhiều người đã qua đào tạo và mong muốn làm việc tại CHLB Đức. Nhờ Luật Nhập cư mới được thông qua, cơ hội hợp tác lao động giữa Việt Nam và CHLB Đức đang mở rộng.
Tại buổi làm việc với ông Christoph Hoffman, Nghị sĩ Quốc hội CHLB Đức, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan đã nhấn mạnh rào cản ngôn ngữ là trở ngại lớn nhất đối với lao động Việt Nam. Theo quy định của CHLB Đức, người lao động phải đạt trình độ tiếng Đức B2, đòi hỏi họ phải dành khoảng 12 đến 18 tháng để học tiếng. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn, đề xuất hạ yêu cầu ngôn ngữ xuống B1 cho lĩnh vực y tế và A1 cho các ngành nghề khác, với điều kiện người lao động sẽ tiếp tục học tiếng sau khi đến CHLB Đức.
Ông Christoph Hoffman cho biết CHLB Đức đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số và dự kiến thiếu hơn 5 triệu lao động vào năm 2030. Do đó, Đức rất cần nguồn nhân lực có trình độ từ các quốc gia như Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận tiếng Đức là ngôn ngữ khó và đề xuất mô hình cử giáo viên đã nghỉ hưu sang Việt Nam dạy tiếng Đức trên tinh thần hỗ trợ, thiện nguyện. Đồng thời tổ chức kỳ thi đầu vào để đánh giá khả năng và quyết tâm học ngôn ngữ của người lao động trước khi bắt đầu chương trình đào tạo.
Trước đó, làm việc với bà Barbel Kogler, Quốc Vụ Khanh Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đáng giá cao kết quả hợp tác lao động giữa hai nước, đặc biệt trong ngành điều dưỡng. Từ năm 2012, khoảng 1.700 lao động Việt Nam đã sang CHLB Đức học tập và làm việc với thu nhập ổn định và hưởng phúc lợi như công dân Đức. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng rào cản ngôn ngữ vẫn là thách thức lớn, và mong muốn phía CHLB Đức hỗ trợ Việt Nam đào tạo tiếng Đức cho người lao động trước khi xuất cảnh.
Về quy định chuẩn bị trước khi xuất cảnh, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết Việt Nam đã yêu cầu các doanh nghiệp lao động thực hiện đào tạo ngôn ngữ và định hướng bắt buộc, giúp người lao động sẵn sàng thích ứng với môi trường làm việc mới.
Theo nld