|
|
Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó Tổng Giám đốc Esuhai Group |
Những năm qua, Nhật Bản luôn tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam. Vậy, vì sao thị trường này là lựa chọn hàng đầu của nhiều lao động Việt khi có nguyện vọng ra nước ngoài làm việc? Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó Tổng Giám đốc Esuhai Group, về vấn đề này.
. Phóng viên: Yếu tố nào khiến Nhật Bản thu hút lao động Việt Nam?
- Ông NGUYỄN XUÂN LANH: Có 3 yếu tố khiến thị trường Nhật Bản thu hút lao động Việt Nam. Đầu tiên, Nhật Bản là thị trường truyền thống. Mỗi lao động sau thời gian làm việc ở đây trở về đều chia sẻ những kinh nghiệm thực tế và câu chuyện bản thân, giúp mọi người có thêm thông tin để cân nhắc việc sang Nhật làm việc.
Tiếp theo, Nhật Bản là nơi lý tưởng để học hỏi. Làm việc tại đây, người lao động (NLĐ) sẽ được trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp, tiếp cận máy móc và công nghệ hiện đại. Nhờ đó, có thể học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm quý báu cho bản thân. Thứ ba, là chính sách Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm, không chỉ tại Nhật Bản mà ngay cả khi NLĐ trở về Việt Nam cũng nhanh chóng tìm việc làm phù hợp.
|
|
Đào tạo bài bản là tiền đề quan trọng để người lao động thành công trên đất Nhật |
. NLĐ cần trang bị gì để hòa nhập, làm việc hiệu quả và thành công tại Nhật Bản?
- Theo tôi, NLĐ cần trang bị và định hướng 4 điều sau đây trước khi xuất cảnh. Điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, đó là năng lực tiếng Nhật. Khi NLĐ có khả năng hiểu và giao tiếp cơ bản bằng tiếng Nhật, sẽ dễ dàng nắm bắt được yêu cầu của quản lý, đồng nghiệp; lập kế hoạch, báo cáo và hoàn thành công việc một cách hiệu quả. Thứ hai, NLĐ cần được đào tạo về kỹ năng làm việc và văn hóa, cùng những điểm đặc thù trong môi trường làm việc tại Nhật Bản. Điều này sẽ giúp họ dễ dàng hội nhập và làm việc tốt hơn.
Thứ ba, NLĐ cần nắm rõ luật pháp của nước sở tại, cũng như quyền lợi và trách nhiệm liên quan đến loại visa mà mình sở hữu. Trong trường hợp gặp khó khăn, họ có thể biết cơ quan nào hỗ trợ mình. Ví dụ, khi tham gia chương trình thực tập sinh (TTS), cần hiểu rõ về chế độ BHYT, hưu trí lao động... Thứ tư, NLĐ cần xác định rõ ràng hướng phát triển chuyên môn và sự nghiệp của mình tại Nhật. Khi có định hướng, NLĐ sẽ có tâm thế chủ động và trách nhiệm hơn trong công việc. Điều này sẽ giúp người đi làm việc ở Nhật Bản trở nên ý nghĩa cho ngày trở về.
. Ông đánh giá thế nào về những thay đổi trong chương trình lao động mới của chính phủ Nhật Bản?
- Những thay đổi này là một sự cần thiết trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Số lượng lao động Việt Nam cũng không còn dồi dào như trước, vì vậy việc thu hút lao động chất lượng cao đã qua đào tạo, trở thành ưu tiên hàng đầu. Điểm tích cực trong lần thay đổi này là mở rộng ngành nghề và tăng cường cơ hội làm việc. Nhật Bản cũng chú trọng hơn đến những lao động tay nghề cao.
Chính sách mới cũng hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi NLĐ tốt hơn, trong đó có quyền lợi của lao động nước ngoài, bảo đảm lương, thưởng và các chế độ phúc lợi khác. NLĐ cũng có cơ hội tham gia vào các khóa đào tạo về kỹ năng nghề và tiếng tại Nhật Bản, giúp họ hòa nhập nhanh hơn vào môi trường mới và nâng cao tay nghề. Thách thức trong chính sách mới là đòi hỏi ngày càng cao từ nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp (DN) phái cử phải chú trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm cả việc nâng cao trình độ tiếng Nhật, kỹ năng nghề và tác phong làm việc cho NLĐ.
. Esuhai đang thực hiện những chương trình nào với các đối tác Nhật Bản?
- Esuhai Group là một hệ sinh thái gồm có các công ty thành viên có chức năng thực hiện theo từng nhu cầu đối tác Nhật Bản. Các chương trình mà chúng tôi đang thực hiện gồm: TTS kỹ năng (1 năm, 3 năm, Kaigo); kỹ sư; lưu học (du học) và hỗ trợ TTS tham gia chương trình kỹ năng đặc định.
Các công ty Nhật Bản tiếp nhận lao động do Esuhai phái cử đều đánh giá NLĐ năng lực làm việc tốt, có mục tiêu, định hướng rõ ràng, họ xác định sang Nhật để "vừa làm - vừa học" nên tâm thế làm việc chủ động, trách nhiệm với công việc, do đó thường được cấp trên tin tưởng. Sau khi hoàn thành chương trình khi về nước, rất nhiều người thành công trong sự nghiệp, khởi nghiệp trở thành chủ DN, nắm giữ những vị trí quan trọng trong các tổ chức, DN...
Esuworks - một công ty thành viên của Esuhai đảm nhận nhiệm vụ đón các TTS về nước và khảo sát nhu cầu cũng như năng lực của họ. Công ty cũng có nhiệm vụ giới thiệu các cơ hội việc làm cho TTS khi về Việt Nam. Song, đa số TTS của Esuhai trở về đều được các DN Nhật Bản tại Việt Nam săn đón nhờ vào kinh nghiệm, kỹ năng và trình độ tiếng Nhật.
Trong 7 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 89.874 lao động, trong đó có 45.425 người chọn sang Nhật Bản. |
Theo nld