Giải quyết việc làm, giảm nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Thực hiện chủ trương này, tỉnh đã ban hành các kế hoạch cụ thể, bài bản, giao nhiệm vụ cho các cơ quan đơn vị triển khai thực hiện.

Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 317-KH/TU, ngày 16-3-2023 thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 12-12-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; UBND tỉnh triển khai Kế hoạch số 195/KH-UBND, ngày 9-11-2021 về đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình hành động số 01/CTr-BCĐ, ngày 26-12-2022 của Ban Chỉ đạo thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2022 - 2025…

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Ngày hội việc làm, trong đó có xuất khẩu lao động dành cho người lao động, học sinh trên địa bàn tỉnh.

Từ nhiều giải pháp, trong giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đã đưa 2.024 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 81% kế hoạch), các lao động đã chuyển về nước số tiền trên 554 tỷ đồng. Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trường hợp anh Vũ Mạnh Ba, ở phường An Tường (TP Tuyên Quang) sau khi tốt nghiệp lớp Trung cấp Công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, đầu năm 2024 anh đã đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản với mức thu nhập bình đạt 40 triệu đồng/ tháng.

Anh Ba cho biết: “việc học nghề trước khi đi xuất khẩu là rất quan trọng vì đã giúp anh tích lũy được nhiều kiến thức, có tay nghề, tác phong công nghiệp. Đặc biệt, học nghề xong sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn, sang bên nước ngoài cũng được chủ sử dụng lao động đánh giá cao hơn, mức thu nhập cũng cao hơn.

Khác với anh Ba thì anh Hoàng Văn Lắm, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) lại chọn xuất khẩu lao động tại Slovakia 5 năm theo hợp đồng, đến nay đã làm việc được 4 năm với mức thu nhập trung bình trên 40 triệu đồng/tháng. Anh Lắm đã tích góp được một khoản tiền để gửi về cho gia đình sửa nhà, sắm thêm các đồ dùng thiết yếu trong gia đình và có một khoản tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng cho tương lai lâu dài. 

Đào tạo ngoại ngữ, nâng cao tay nghề cho lao động

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn những khó khăn, hạn chế như: lao động đi làm việc chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ tay nghề và ngoại ngữ chưa cao; ý thức một bộ phận lao động chưa tốt; công tác theo dõi, nắm bắt số lượng, tình hình lao động sau khi hết hạn hợp đồng còn hạn chế; tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chậm…

Đào tạo nghề Công nghệ ô tô tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.

Đồng chí Trần Nhữ Thanh, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Liên kết - Tư vấn giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang cho biết, từ đầu năm đến nay số học sinh sinh viên đi làm việc ở nước ngoài sau đào tạo tại trường có 8 người với mức thu nhập từ 30 đến trên 70 triệu đồng/người/tháng tùy theo thị trường lao động và tính chất công việc. Để nâng cao tỷ lệ có việc làm thu nhập cao trường thường xuyên phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động. Hầu hết các học sinh, sinh viên đi làm việc tại nước ngoài được làm việc đúng ngành nghề đào tạo nên công việc và thu nhập rất ổn định.  

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 473 lao động đi làm việc ở thị trường Nhật bản, Đài Loan và một số nước châu Âu. Lao động của tỉnh chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và chủ yếu là lao động phổ thông. Nhằm hoàn thành mục tiêu năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 22.550 lao động, trong đó đưa 800 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng thì nhiều giải pháp đang tiếp tục được triển khai thực hiện.

Đó là tiếp tục thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về chính sách đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thị trường lao động, hiệu quả của xuất khẩu lao động; mở rộng thị trường lao động ở các nước phát triển, tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm… 

Cùng với đó, các huyện, thành phố chủ động rà soát các đối tượng là người lao động có nhu cầu, đủ điều kiện đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ và tác phong công nghiệp cho lao động… trước khi xuất cảnh. Từ đó từng bước nâng cao chất lượng, trình độ và tay nghề kỹ thuật cho lao động Tuyên Quang, tạo dấu ấn, xây dựng hình ảnh tốt đẹp của lao động Việt Nam nói chung và Tuyên Quang nói riêng khi làm việc ở nước ngoài.

Theo baotuyenquang