Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)
Đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực đào tạo, phái cử thực tập sinh/lao động hộ lý là trọng tâm thảo luận trong buổi hội thảo chiều 29/9 tại trụ sở của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở thành phố Osaka, Nhật Bản.
Tham dự hội thảo có Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka Ngô Trịnh Hà; Bí thư thứ nhất, Trưởng ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Nhật Bản Phan Tiến Hoàng; đại diện Bộ Y tế Phúc lợi và Lao động Nhật Bản cùng đông đảo các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, tiếp nhận thực tập sinh/lao động hộ lý; đại diện các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực phái cử thực tập sinh/lao động hộ lý.
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Lãnh sự Ngô Trịnh Hà nhấn mạnh trải qua 50 năm kể từ khi Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao, Quan hệ Đối tác Chiến lược Sâu rộng giữa hai nước đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay và sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới do tính chất bổ sung, hỗ trợ cho nhau rất lớn.
Ông Ngô Trịnh Hà đánh giá hợp tác nhân lực và lao động trong đó có lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa.
Theo ông Ngô Trịnh Hà, việc tổ chức buổi hội thảo có ý nghĩa thiết thực nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản; giúp truyền tải hình ảnh tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam nói chung và nhân lực trong lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý nói riêng tới người dân Nhật Bản; thấy được những khó khăn của thị trường lao động điều dưỡng, hộ lý; sự nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam trong tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực.
Đánh giá về tình hình lao động hiện nay, Trưởng ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Nhật Bản Phan Tiến Hoàng cho biết hiện có khoảng 380.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản, trong đó khoảng 200.000 thực tập sinh, 10.000 lao động kỹ năng đặc định và hơn 70.000 lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên.
Bí thư thứ nhất, Trưởng ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Nhật Bản Phan Tiến Hoàng phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)
Số lao động trên chiếm khoảng 18% tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản.
Đối với ngành hộ lý và chăm sóc người cao tuổi, có hơn 10.000 lao động Việt Nam làm trong ngành này, trong đó có khoảng 2.000 người là điều dưỡng, hộ lý theo chương trình EPA (Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản).
Theo ông Phan Tiến Hoàng, sức hút của ngành nghề hộ lý đối với lao động Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên trong thời gian gần đây nhờ việc Chính phủ Nhật Bản có đối sách khá phù hợp nhằm gia tăng số lượng lao động làm việc trong lĩnh vực này như tăng lương cho lao động hộ lý từ tháng 4/2022, các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh/lao động hộ lý nỗ lực đảm bảo quyền lợi, điều kiện sinh sống cho người lao động.
Ông Phan Tiến Hoàng nhận định việc đẩy mạnh phái cử, tiếp nhận thực tập sinh/lao động hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản không chỉ đáp ứng nhu cầu tiếp nhận của Nhật Bản mà còn đáp ứng nhu cầu nhân lực hộ lý, chăm sóc người cao tuổi của Việt Nam trong thời gian tới khi tốc độ già hóa dân số của Việt Nam được dự đoán sẽ ngày càng nhanh nhưng nguồn nhân lực cho lĩnh vực này chưa đáp ứng đầy đủ các về chuyên môn lẫn số lượng lao động.
Ông Hayashi Takaharu, Chủ tịch Tập đoàn Avance, nơi tiếp nhận hơn 50.000 lao động nước ngoài, đã có bài thuyết trình chia sẻ về những kinh nghiệm trong việc tiếp nhận, đào tạo lao động nước ngoài, trong đó có lao động trong lĩnh vực hộ lý, chăm sóc người cao tuổi.
Ông Hayashi Takaharu, Chủ tịch Tập đoàn Avance, nơi tiếp nhận hơn 50.000 lao động nước ngoài thuyết trình tại hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)
Ông Hayashi Takaharu nêu lên những ưu tiên đứng từ quan điểm của doanh nghiệp tiếp nhận và người lao động, theo đó cho rằng doanh nghiệp tiếp nhận Nhật Bản vì thiếu nhân lực nên mong muốn tuyển dụng được thêm lao động, trong khi đó người lao động muốn có việc làm, có thu nhập, nắm bắt cơ hội để nâng cao điều kiện sống.
Ông cho biết một trong những điều kiện làm việc trong ngành hộ lý, chăm sóc người cao tuổi là tiếng Nhật phải đạt N2, cấp độ cao thứ hai của tiếng Nhật, nhưng hiện nay hầu hết lao động nước ngoài trong ngành này khi sang Nhật Bản, trình độ chỉ ở mức N5 và N4, mức thấp nhất và thấp thứ hai trong tiếng Nhật.
Để thu hút được lao động, thị trấn Higashikawa, tỉnh Hokkaido đã xây dựng cơ chế hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo nghề và tiếng Nhật cho những người làm việc sẽ lâu dài ngành này.
Bên cạnh đó, nhằm thu hút du học sinh đến thị trấn trong bối cảnh dân số già hóa, tỷ lệ sinh thấp, năm 2015, chính quyền địa phương đã thành lập trường tiếng Nhật Higashikawa công lập đầu tiên trên toàn quốc. Đến nay, thị trấn có 4% cư dân là người nước ngoài.
Bà Lưu Thị Ngọc Túy, đại diện cho VILACO, công ty phái cử lớn tại Việt Nam chuyên về hộ lý, chăm sóc người cao tuổi, cho biết trong bối cảnh tỷ lệ người cao tuổi tại Việt Nam đang tăng lên với tốc độ nhanh chóng, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp và kế hoạch để chăm sóc người già.
Bà Lưu Thị Ngọc Túy nhận định Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản để xây dựng và triển khai hệ thống bảo hiểm chăm sóc người già hiệu quả.
Bà cho biết với 15 năm kinh nghiệm, VILACO đã xây dựng được một mạng lưới tuyển dụng hiệu quả, không thông qua môi giới và cung cấp cơ hội việc làm tại Nhật Bản với chi phí thấp hơn mức chính phủ quy định.
VILACO đặt mục tiêu phái cử 2.000 thực tập sinh/lao động hộ lý sang Nhật Bản trong năm 2023, gấp 3 lần so với năm trước.
Ngoài ra, VILACO còn mở một trung tâm mới về đào tạo chăm sóc người già cũng như một viện dưỡng lão theo tiêu chuẩn Nhật Bản để người lao động có cơ hội làm việc khi về nước.
Đại diện các cơ quan chức năng Nhật Bản, doanh nghiệp cũng đã lần lượt có bài thuyết trình tại hội thảo.
Tổng Lãnh sự Ngô Trịnh Hà đánh giá hội thảo đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp tuyển dụng Nhật Bản có cơ hội trực tiếp giao lưu, trao đổi với các đơn vị phái cử Việt Nam, qua đó, chia sẻ những vướng mắc và cùng nhau tháo gỡ khó khăn, hướng tới mục tiêu hợp tác, phát triển và thịnh vượng, góp phần thúc đẩy hơn nữa lĩnh vực hợp tác còn nhiều tiềm năng này./.
Theo TTXVN/Vietnam+