Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện văn phòng JICA trong cuộc họp báo chiều qua cho biết, dự án này nhằm tạo môi trường làm việc tốt hơn cho lao động Việt Nam làm việc tại Nhật, đồng thời xóa bỏ môi giới việc làm bất hợp pháp, vốn là vấn đề tồn tại trong những năm gần đây.
Hiện tại, hai bên đang chuẩn bị các công việc cần thiết để bắt đầu triển khai dự án. Trước mắt, JICA sẽ sớm phái cử chuyên gia sang công tác tại Việt Nam, nghiên cứu nội dung và ứng dụng trang thông tin điện tử để người lao động Việt Nam nộp đơn đăng ký tham gia chương trình thực tập sinh ở Nhật.
Đánh giá về những nỗ lực mà Việt Nam đang thực hiện để phục hồi kinh tế sau đại dịch, Trưởng đại diện Văn phòng JICA cho biết, tăng trưởng GDP quý 2 của Việt Nam ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng năm nay sẽ ở mức 6%.
Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi ổn định cùng với chính sách “sống chung với Covid-19” và bổ sung dự toán chi ngân sách. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đẩy mạnh nhờ lực lượng lao động dồi dào và truyền thống lao động cần cù của người lao động Việt Nam. Sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng khiến đầu tư vào Việt Nam tăng cao…
Theo ông Shimizu Akira, trong 4 năm trở lại đây, các khoản vay của Việt Nam từ các tổ chức quốc tế, trong đó có JICA giảm 16 - 20% so với trước đây. "Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và có ảnh hưởng trên trường quốc tế", ông Akira nói. Ông cũng cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng khoản vay ODA cho phép hoàn trả trong dài hạn với lãi suất thấp và cố định, làm công cụ huy động vốn trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Trong năm tài chính 2021 của Nhật Bản (từ tháng 4/2021 đến hết tháng 3/2022), JICA Việt Nam đã có hơn 100 dự án lớn nhỏ, bao gồm khoản vay cam kết trong dự án vốn vay ODA là 10,8 tỷ yên (75 triệu USD); dự án hợp tác kỹ thuật là 4,9 tỷ yên (34 triệu USD); viện trợ không hoàn lại là 700 triệu yên (5 triệu USD).
Dự kiến thời gian tới, JICA sẽ tập trung vào các dự án hợp tác với Việt Nam về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực, y tế, tăng trưởng xanh…
Về công trình đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 1, ông Shimizu Akira thông tin, toàn bộ 51 toa tàu metro sản xuất tại Nhật Bản đã được vận chuyển đến Việt Nam, tiến độ hoàn thành của công trình đạt khoảng 90%.
“Năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hướng tới dấu mốc quan trọng này, JICA sẽ tiếp tục nỗ lực để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của Việt Nam thông qua ODA, đồng thời tăng cường kết nối người dân, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị 50 năm qua, để quan hệ Nhật Bản - Việt Nam có bước tiến nhảy vọt trong thời gian tới”, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA nhấn mạnh.
Theo vietnamnet