leftcenterrightdel
 Công việc ở nước ngoài cũng đầy vất vả với nhiều người lao động

Đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) cũng là cách nhằm thay đổi cuộc sống của người lao động (NLĐ) và gia đình. Bao nhiêu năm làm việc ở xứ người là bấy nhiêu vất vả của NLĐ để dành dụm tiền gửi về nhà với mong muốn gia đình có cuộc sống khấm khá hơn. Mỗi khi Tết đến xuân về, NLĐ xa xứ luôn hướng về quê hương, mong đến ngày sum vầy. Nhưng cũng có nhiều hoàn cảnh với những cảm xúc trong dịp đoàn viên.

Chịu nhiều áp lực

Sau gần 5 năm học tập và làm việc tại Đức, Hà Thị Mai H. (28 tuổi, quê Nghệ An) không giấu được sự háo hức, chờ đến ngày về nước đón Tết cùng gia đình. Tuy vậy, đằng sau sự háo hức ấy là nỗi niềm khó tả của người con đi lao động tha hương.

Gia cảnh nghèo khó nên chị em H. gác lại giấc mơ giảng đường đại học để ra nước ngoài làm việc, kiếm tiền về lo cho 3 em nhỏ tiếp tục ăn học. H. sang Đức du học nghề điều dưỡng từ cuối năm 2017. Em trai H. sang Angola làm xây dựng được 4 năm nhưng thu nhập bấp bênh nên cũng chưa một lần về quê. Áp lực lớn nhất đè nặng đôi vai cô gái trẻ là khoản nợ mà gia đình vay mượn để hai chị em H. đi ra nước ngoài làm việc đã được H. dành dụm gửi về nhà thanh toán.

Nhưng áp lực vẫn không dứt khi bố mẹ H. mới vay tiền xây căn nhà cho "bằng anh bằng em" ở quê. Với công việc điều dưỡng tại một viện dưỡng lão ở Đức, thu nhập của H. khoảng 2.700 euro/tháng (gần 70 triệu đồng). Nhưng mức sống và phí sinh hoạt tại Đức khá đắt đỏ nên tằn tiện lắm H. cũng chỉ dư được khoảng 35 triệu đồng/tháng. Số tiền dư này H. gửi về nhà hằng tháng để cha mẹ trả nợ và chi tiêu cho gia đình.

Để có thêm thu nhập, những ngày nghỉ, H. đi khắp các siêu thị ở Đức để mua hàng gửi về nước bán kiếm lời. H. cho biết rất thèm không khí ở quê nên sẽ cố gắng vui cùng gia đình những ngày Tết. Sau đó quay lại Đức để tiếp tục "cày" trả nợ.

Cũng đầy tâm trạng khi chuẩn bị về nước sum họp cùng gia đình dịp Tết là chị Đoàn Thị Th. (33 tuổi, quê Quảng Bình) - hiện làm việc tại Hàn Quốc. Chị Th. cho biết dịp Tết năm nay là ngày cưới của em trai, nên gia đình đang mong chờ rất nhiều từ chị. "Tôi sang Hàn Quốc làm được 3 năm theo chương trình EPS. Công việc và thu nhập cũng ổn định nhưng làm được bao nhiêu đều gửi về cho gia đình xây nhà, mua xe, làm tiệm sửa xe cho em trai. Giờ cũng không còn tiền nữa mà cha mẹ cứ đòi làm đám cưới cho em trai phải thật lớn, sửa lại nhà để đón dâu, quà cưới cho em phải nhất làng... làm tôi rất áp lực đến mất ngủ cả tháng nay" - chị Th. tâm sự.

Hãy hiểu cho người đi làm

Sang Nhật Bản làm thực tập sinh vào giữa năm 2019, Vũ Ngọc Khoa (26 tuổi, quê Đồng Tháp) chưa một lần về nước. Dịp Tết năm nay cũng là lúc Khoa hết hạn hợp đồng 3 năm làm công việc dập kim loại tại tỉnh Aichi.

Khoa cho biết nhà máy nơi làm việc đã mua được vé máy bay cho anh về quê nhà trước Tết Nguyên đán hơn 1 tuần. Sang Nhật, năm nào Khoa cũng gửi tiền về quê cho cha mẹ theo quý. Năm nay đồng yen rớt giá mạnh, anh quyết định giữ lại tiền yen với kỳ vọng nó sẽ tăng trở lại. "Dự định năm nay tôi có thể mang về được khoảng 220 triệu đồng nhưng nếu quy đổi trong thời điểm này thì chỉ còn 180 triệu đồng. Như vậy số tiền sẽ không đủ trả nợ mà gia đình đã vay trước đó để chăn nuôi nhưng thất bại" - Khoa nói. Áp lực với khoản vay này khiến Khoa tiết kiệm tối đa, tranh thủ làm thêm khi có thời gian và không mua sắm gì cho bản thân. Khoa cho biết sẽ quay lại Nhật Bản tiếp tục làm việc để trả dứt nợ cho gia đình rồi mới có kế hoạch cho bản thân.

Một cán bộ chính sách ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - địa phương có nhiều người ra nước ngoài làm việc, khẳng định nhờ có XKLĐ mà vùng quê nghèo này đã thay da đổi thịt, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu. Ở xã Nhân Trạch có gần ngàn người đi XKLĐ, chủ yếu là Hàn Quốc. Những người đi XKLĐ đã gửi tiền về cho gia đình để xây dựng nhà kiên cố, đầu tư cho con học hành, có người mở cơ sở sản xuất - kinh doanh, làm dịch vụ du lịch... "Trong các buổi họp dân, chúng tôi thường nói làm sao sử dụng đồng tiền con em mang từ nước ngoài về một cách hiệu quả nhất, để tiền đẻ ra tiền, lo cho tương lai NLĐ khi về nước" - cán bộ xã này nói.

Là chuyên gia trong lĩnh vực XKLĐ, ông Lê Long Sơn - Tổng Giám đốc Esuhai Group (quận Tân Bình, TP HCM) - mong muốn gia đình có con em đi XKLĐ hãy hiểu cho người đi làm. Để giúp người thân hiểu về công việc mà NLĐ sẽ học, làm và tích lũy được gì trong 3 năm, 5 năm ở nước ngoài, Esuhai sẵn sàng san sẻ mọi góc cạnh với phụ huynh những điều mà các em nhận được. "Đó là kiến thức và tài chính. Kiến thức sẽ theo suốt sự nghiệp của NLĐ, còn tài chính thì phụ giúp gia đình, gia đình có trách nhiệm sử dụng số tiền đó sao cho hiệu quả. Ra nước ngoài làm việc xa nhà đã là thiếu thốn rồi, vì vậy gia đình hạn chế tạo nên những áp lực vô hình để NLĐ toàn tâm, toàn trí với công việc" - ông Sơn nhắn nhủ.

Theo nld