leftcenterrightdel
 Người lao động Quảng Bình được đào tạo trước khi đi xuất khẩu lao động

Quảng Bình dự kiến đến cuối năm nay, toàn tỉnh sẽ giải quyết việc làm cho trên 21.000 người lao động (NLĐ), trong đó khoảng 4.000 người được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy thị trường việc làm cho NLĐ đã sôi động trở lại 2 năm sau dịch COVID-19.

Kỳ vọng vào tương lai tươi sáng

Tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm (DVVL) tỉnh Quảng Bình trong những ngày qua, nhiều hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ NLĐ chưa bao giờ nhộn nhịp như hiện nay. Khi dịch COVID-19 dần được khống chế, mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận hàng trăm NLĐ đến xin tư vấn, giới thiệu việc làm.

Anh Nguyễn Văn Dũng (25 tuổi, quê xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch) cùng vợ mới cưới là chị Phạm Thị Chi cầm tập hồ sơ đến Trung tâm DVVL tỉnh Quảng Bình để xin được tư vấn, chọn ngành nghề đi XKLĐ tại một nước châu Âu. Vợ chồng anh Dũng đều là sinh viên tốt nghiệp một trường CĐ ở miền Trung, ra trường đã 3 năm nhưng chưa có việc làm ổn định nên cuộc sống bấp bênh.

Có thời điểm, hai vợ chồng đều làm CN, thu nhập chẳng đáng là bao. Sau khi được Trung tâm DVVL tỉnh tư vấn, hai vợ chồng quyết định vay tiền người thân để sang Ba Lan làm việc. "Sắp tới, chúng em sẽ được học tiếng và đào tạo nghề cơ bản. Nếu mọi việc thuận lợi thì ra Tết âm lịch sẽ bay" - chị Chi cho hay.

Theo Trung tâm DVVL tỉnh Quảng Bình, thông qua các sàn giao dịch việc làm, các hoạt động tư vấn, hàng ngàn NLĐ trong tỉnh đã tiếp cận được các cơ hội làm việc. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tổ chức 46 phiên giao dịch việc làm thu hút 121 doanh nghiệp (DN) với hàng ngàn lao động tham gia tuyển dụng trực tiếp.

Thông qua những phiên giao dịch việc làm, đã có gần 2.400 lượt NLĐ được tư vấn; 2.035 lượt NLĐ được giới thiệu phỏng vấn trực tiếp và 1.068 hồ sơ đạt sơ tuyển. Trung tâm cũng đã tư vấn, giới thiệu, cung ứng việc làm và thông tin thị trường lao động cho gần 30.200 lượt người. Trong đó, số lượt người được tư vấn về du học, XKLĐ gần 2.900 người. Số người được giới thiệu, cung ứng đi XKLĐ là 574 người.

Bà Hoàng Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Quảng Bình, cho biết đây thực sự là những con số khả quan sau khi thị trường lao động khá ảm đạm trong suốt thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã giới thiệu được gần 1.400 NLĐ cho các DN trong tỉnh và XKLĐ. Trong đó, gần 1.200 lao động cung ứng cho DN XKLĐ để tham gia tuyển dụng các đơn hàng đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn tại nước ngoài, chủ yếu tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Ba Lan, Hungary, Romania...

Kéo giảm tỉ lệ thất nghiệp

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Quảng Bình, ước tính đến ngày 31-12, toàn tỉnh sẽ giải quyết việc làm cho trên 21.000 lao động (đạt 116,67% kế hoạch), trong đó có khoảng 4.000 NLĐ được tuyển chọn đi XKLĐ có thời hạn theo hợp đồng (đạt 108% kế hoạch năm).

Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh này, cho biết sau rất nhiều nỗ lực của các cấp ngành, địa phương và DN, tỉ lệ thất nghiệp chung toàn tỉnh giảm còn 2,9%. Nhiều địa phương đã tạo mọi điều kiện để NLĐ được tiếp cận các nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi, đã có khoảng 6.200 NLĐ được hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm, góp phần nâng thu nhập, ổn định đời sống kinh tế.

Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều chính sách đặc thù của địa phương về giải quyết việc làm cho NLĐ khu vực nông thôn. Nguồn lực đầu tư, hỗ trợ công tác giải quyết việc làm còn hạn chế. Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình đặt ra mục tiêu trong năm 2023 sẽ tạo việc làm cho 18.500 người. Trong đó, có khoảng 3.700 NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Chất lượng nguồn lao động còn thấp

Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, Quảng Bình là địa phương có lực lượng lao động dồi dào, độ tuổi thanh niên khá đông. Nhưng việc tìm kiếm và giải quyết việc làm của địa phương vẫn luôn gặp khó do chất lượng nguồn lao động vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động. NLĐ cũng chưa được định hướng đào tạo đúng nhu cầu của thị trường. Điều đó dẫn đến nghịch lý là trong khi NLĐ không tìm kiếm được việc làm phù hợp thì các DN vẫn thiếu hụt lao động thường xuyên.

Theo nld