Một góc chợ Yangon

Chuyện mặc cả

Cũng giống Việt Nam, những người bán hàng ở Yangon thích nói thách. Giá thách nhiều khi cao gần gấp đôi giá thực. Bởi thế, những người chịu khó mặc cả sẽ mua được giá tốt. Dù vậy, không thiếu những chủ hàng rất “chặt” khi chỉ có 50 Kyat (tiền Myanmar, khoảng 1.000 VNĐ) cũng nhất quyết không giảm.

Nói vậy thôi nhưng khi mặc cả và thống nhất xong, người bán và người mua đều rất hỉ hả. Không ít khách nước ngoài cảm thấy ngạc nhiên về điều này. Dù khá quyết liệt khi “bớt một, thêm hai” nhưng sau khi nhận tiền xong thì chủ hàng lại nhanh nhẹn lấy một món hàng nhỏ nhắn xinh xắn nào đó để tặng khách mua. Đôi khi, giá trị của món quà còn lớn hơn cả số tiền chênh lệch mà hai bên vừa mặc cả với nhau, hoặc có lúc, quà tặng (mà họ nói là “present”) chỉ là…quả dưa chuột.

“Hiện tượng tặng quà” khá phổ biến ở các khu chợ của Myanmar, từ những cửa hàng nhỏ trên phố cho đến những siêu thị, trung tâm thương mại sang trọng.

Chợ đường phố

Ở Myanmar khá phổ biến mô hình chợ đường phố (street market), có khu vực riêng và chia ô giống các chợ ở Việt Nam. Tuy nhiên, điểm khác biệt nhất của chợ ở Yangon là các mặt hàng không được phân chia khu vực rõ ràng. Chẳng hạn, bên cạnh hàng bán cá tươi có thể có hàng bán đồ ăn sáng hay cạnh hàng bán quần áo có thể là nơi bán dưa, cà... Nếu muốn mua rau, người mua có thể tiến phía trước, rẽ sang phải, sang trái hay thậm chí là …đi lùi, đều có.

Những người bán hàng thường ngồi xếp chân khoanh tròn trên một tấm thảm hoặc ghế bệt, vây quanh là các dụng cụ bán hàng. Và họ chỉ việc xoay người là có thể làm hết mọi công đoạn cần thiết cho việc bán hàng.

Xếp hàng

Lúc 6-7 giờ sáng, bạn sẽ thấy chợ khá vắng. Dù vậy, đến khi chợ đông, khu chợ vẫn khồng hề ồn ào, náo nhiệt. Ở các hàng đông khách, người mua tự giác xếp hàng rất trật tự, người bán thì lúc nào cũng thong thả, từ tốn đợi đến lượt... Tôi chưa từng thấy cảnh cãi vã ở chợ.

Ngôn ngữ

Ở Yangon, người thạo tiếng Anh không nhiều, nhưng người biết tiếng Anh, đủ để hiểu và nói những câu thông dụng thì đâu cũng có. Bởi thế, bạn đừng lo lắng khi đi chợ. Kể cả khi người bán không biết chữ tiếng Anh nào, thì bạn cũng đừng lo mà hãy dùng… tiếng Việt. Họ sẽ cười rất thân thiện và giơ ngón tay lên hoặc lấy các loại tiền của họ ra “làm mẫu” cho bạn. Đơn giản hơn, bạn chỉ việc xòe tất cả số tiền địa phương mà bạn có, họ sẽ chỉ lấy đúng số tiền hàng mà bạn mua của họ.

Đi chợ ở Yangon, bạn có thể hỏi hết cái nọ đến cái kia xong nói “cảm ơn” và đi sang hàng bên cạnh, họ vẫn mỉm cười thân thiện với bạn. Kể cả sau một, hai tuần, bạn mới đi chợ thì khi gặp lại, họ sẽ vẫn nhớ và gật đầu chào bạn.

Đi chợ ở Yangon, vì thế cũng là một hình thức thư giãn đối với người nước ngoài, kể cả khi bạn khệ nệ với nào thịt, nào rau, nào hoa quả, nào gạo… cuốc bộ cả vài cây số.

                                                                    Theo Thế giới và Việt Nam