Tổ chức thi kỹ năng đặc định ngành phục vụ ăn uống cho lao động sang Nhật Bản
Cập nhật lúc 17:19, Thứ ba, 29/10/2024 (GMT+7)
Dự kiến đầu tháng 12, kỳ thi đánh giá kỹ năng trong lĩnh vực phục vụ ăn uống đối với người lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo Chương trình lao động kỹ năng đặc định sẽ được tổ chức.
|
|
Lao động học tiếng Nhật để sang Nhật Bản làm việc. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), thực hiện thỏa thuận giữa Việt Nam và Nhật Bản về tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá kỹ năng đối với người lao động đi làm việc tại Nhật Bản trong lĩnh vực phục vụ ăn uống.
Dự kiến, kỳ thi sẽ tiếp nhận đăng ký thi từ ngày ngày 4/12, từ ngày 10/12 trở đi thí sinh có thể đăng ký trước ngày dự thi tối đa 59 ngày. Thí sinh đăng ký dự thi tại Website chuyên dụng của Prometric là đơn vị nhận ủy thác tổ chức thi tại địa chỉ: https://www.prometric-jp.com/ssw/test_list/archives/4.
Kỳ thi có giới hạn số lượng thí sinh dự thi. Nếu số lượng đăng ký đạt giới hạn thì việc tiếp nhận đăng ký thi có thể kết thúc trước thời hạn, vì vậy thí sinh cần đăng ký thi càng sớm càng tốt.
Dự kiến, kỳ thi đánh giá kỹ năng phục vụ ăn uống sẽ được bắt đầu tổ chức từ ngày 10/12 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian thi kỹ năng trong lĩnh vực phục vụ ăn uống là 70 phút.
Kỳ thi đánh giá kỹ năng đặc định Nhật Bản là kỳ thi dành cho người lao động nước ngoài muốn đến làm việc tại Nhật Bản theo diện visa đặc định.
|
|
Lao động Việt Nam làm điều dưỡng tại Nhật Bản. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Lao động Việt Nam làm điều dưỡng tại Nhật Bản. (Ảnh: PV/Vietnam+)Nếu đỗ Kỳ thi đánh giá kỹ năng đặc định Nhật Bản, người lao động sẽ được tham đi làm việc ở Nhật Bản với nhiều đãi ngộ hấp dẫn như: Có thời hạn lưu trú tại Nhật Bản trên 5 năm; nhận mức lương cao hơn mức lương tối thiểu và tương đương với người Nhật cùng một trình độ trong ngành nghề đó; nếu người lao động hoàn thành chương trình Kỹ năng đặc định số 1 và thi đậu chương trình Kỹ năng đặc định số 2 sẽ được phép gia hạn visa không giới hạn số lần và hoàn toàn có thể xin vĩnh trú, ở lại Nhật làm việc lâu dài, đồng thời có thể bảo lãnh người thân sang Nhật sinh sống…
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, việc triển khai thỏa thuận giữa Việt Nam và Nhật Bản về tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm mới cho lao động có kỹ năng của Việt Nam, góp phần gắn kết giữa lao động với đào tạo, gắn kết giữa thị trường lao động trong nước với thị trường lao động quốc tế đồng thời giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề thiếu nhân lực trong một số ngành quan trọng.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết Nhật Bản dự kiến tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định nước ngoài trong 14 ngành nghề gồm: Xây dựng; đóng tàu; nông nghiệp; thực phẩm; nhà hàng ăn uống; ngư nghiệp; vệ sinh tòa nhà; công nghiệp rèn đúc; điện và thông tin điện tử; bảo dưỡng, sửa chữa ô tô; hàn cơ khí; lưu trú khách sạn; chăm sóc điều dưỡng; hàng không phục vụ mặt đất và bốc xếp hành lý.
|
|
Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Kỳ thi đánh giá kỹ năng theo Chương trình lao động kỹ năng đặc định của Nhật Bản được tổ chức tại Việt Nam từ tháng 3/2024. Tính đến tháng 10/2024, các kỳ thi kỹ năng đặc định thường xuyên tổ chức các kỳ thi trong 5 lĩnh vực: Chăm sóc điều dưỡng (kỹ năng và tiếng Nhật chăm sóc điều dưỡng), xây dựng, bảo dưỡng ôtô, dịch vụ lưu trú, nông nghiệp tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến cuối tháng 8/2024 đã có gần 1.000 người dự thi và 819 người thi đỗ kỳ thi này. Một số lĩnh vực đạt tỷ lệ thi đỗ khá cao như tỷ lệ đỗ lĩnh vực chăm sóc điều dưỡng kỹ năng từ 3 tháng là hơn 90%, lĩnh vực nông nghiệp là hơn 80%.../.
Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình lao động kỹ năng đặc định do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Tư pháp Nhật Bản ký kết năm 2019. Hai bên cũng xây dựng các cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện MOC gồm có: Phía Việt Nam là Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội); phía Nhật Bản là Bộ phận quản lý cư trú, Ban hỗ trợ quản lý cư trú, Tổng Cục Quản lý quản lý cư trú và xuất nhập cảnh Nhật Bản.
Bản ghi nhớ hợp tác quy định rõ quyền lợi của người lao động Việt Nam như: Lao động kỹ năng đặc định lưu trú tại Nhật Bản được hưởng các quyền lợi theo luật nhập cư, luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan của Nhật Bản.
|
Theo vietnamplus