leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN) 

Ngày 6/9, tại thủ đô Toyko, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam (MOLISA) và Tổ chức Hợp tác Đào tạo Quốc gia Nhật Bản (JITCO) đã phối hợp tổ chức Hội thảo tăng cường hợp tác đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản sau dịch COVID-19, với sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành và nghiệp đoàn của Nhật Bản cùng với gần 50 đại diện của các công ty phái cử Việt Nam. 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng MOLISA Nguyễn Bá Hoan nói: “Hiện nay, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và mục tiêu phấn đấu sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, việc xây dựng một đội ngũ lao động kỹ thuật có tay nghề cao, có kỹ năng lao động, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, tiếp thu những công nghệ hiện đại, tiên tiến là vấn đề hết sức quan trọng, then chốt. Hiện nay, cùng với các giải pháp đào tạo và nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, tạo việc làm ở trong nước, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.” 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, thời gian qua, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định.

Số lượng lao động tăng dần hằng năm, trong khi chất lượng lao động không ngừng được nâng cao. Hiện có hơn 500.000 người lao động Việt Nam đang làm việc trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Riêng đối với Nhật Bản, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan Hoan chia sẻ trong hơn 30 năm qua, có hơn 350.000 thanh niên Việt Nam đã tới nước này để thực tập kỹ năng.

Từ năm 2013, số lượng thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản tăng mạnh, từ 10.200 người năm 2013 lên 82.700 người năm 2019.

Hiện nay, với hơn 200.000 thực tập sinh đang làm việc tại Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang quốc gia Đông Bắc Á này. 

Đối với lao động kỹ năng đặc định, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết biên bản hợp tác về Chương trình lao động kỹ năng đặc định vào tháng 7/2019. Hiện có khoảng 41.000 lao động đặc định Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Minh, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, khẳng định quan hệ Việt-Nhật vẫn phát triển mạnh mẽ bất chấp đại dịch.

Đáng chú ý, “hợp tác nguồn nhân lực từ lâu vẫn là điểm sáng và đã góp phần không nhỏ làm sâu sắc hơn quan hệ toàn diện giữa hai nước.”

Về phần mình, ông Hiroaki Yagi, Chủ tịch JITCO, cho biết hiện Chính phủ Nhật Bản đang xem xét lại chương trình thực tập sinh kỹ năng và chương trình lao động kỹ năng đặc định.

Bên cạnh đó, với sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đang cân nhắc xây dựng một hệ thống tuyển dụng mới nhằm loại bỏ các tổ chức trung gian và giảm chi phí ban đầu cho các thực tập sinh.

leftcenterrightdel
Ông Hiroaki Yagi, Chủ tịch Tổ chức Hợp tác Đào tạo Quốc gia Nhật Bản. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN) 

Đề cập tác động của việc đồng yen mất giá, ông Yagi nhấn mạnh do những khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và Mỹ, thời gian qua, đồng yen đã mất giá nhanh chóng so với đồng USD.

Điều này đã khiến Nhật Bản trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các lao động nước ngoài, từ đó gây khó khăn hơn cho khâu tuyển chọn thực tập sinh sang làm việc ở nước này.

Để giải quyết vấn đề này, Hội đồng Tiền lương Tối thiểu Trung ương của Nhật Bản đã đề xuất tăng lương tối thiểu trong tài khóa 2022 ở mức cao kỷ lục 3,3%. Tuy nhiên, điều đó có thể sẽ không đủ để bù đắp thiệt hại do sự mất giá của đồng yen. 

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước Phạm Viết Hương đã thông tin cho các cơ quan chức năng và nghiệp đoàn của Nhật Bản về các quy định pháp luật mới của Việt Nam, trong đó có Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà Quốc hội thông qua hồi năm 2020.  

Bên cạnh đó, ông Hương cũng nêu ra một số giải pháp của MOLISA nhằm thúc đẩy hoạt động đưa thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản sau dịch COVID-19.

Theo ông, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với JICA để xây dựng và triển khai dự án hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để kết nối người lao động với doanh nghiệp phái cử, từ đó giảm thiểu và loại bỏ các chi phí trung gian.

Ngoài ra, Bộ sẽ nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý nhà nước. 

Cũng tại hội thảo, đại diện các cơ quan chức năng của Nhật Bản đã thông tin về nhu cầu và xu hướng tiếp nhận lao động, thực tập sinh nước ngoài, cũng như một số định hướng điều chỉnh, sửa đổi đối với hoạt động tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng và lao động đặc định nước ngoài ở nước này.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhận định: “Hiện nay, Nhật Bản vẫn là thị trường được lao động Việt Nam ưa thích do điều kiện làm việc, điều kiện sống và thu nhập khá phù hợp. Cùng với sự tương đồng về văn hóa, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng đang phát triển mạnh mẽ. Trong thời gian tới, nhu cầu về lao động nước ngoài của Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng lên. Chủ sử dụng lao động người Nhật Bản rất muốn sử dụng nhiều lao động Việt Nam. Đây là các yếu tố có thể khẳng định trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều lao động, thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản làm việc.”

Trong khi đó, bà Nguyễn Lan Hoa, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sen Đại Dương, nói: “Do các doanh nghiệp Nhật Bản mà chúng tôi đang hợp tác hồi phục rất nhanh nên số lượng thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản đang phục hồi và có thể sẽ tăng lên mạnh hơn so với năm trước”./.

Theo vietnamplus