Chuyện tình trắc trở
Giữa tiết trời ấm áp của mùa hè Australia, Thanh Nhàn (26 tuổi, quê TP.HCM) chờ đợi ngày “cô công chúa nhỏ” của mình chào đời trong niềm hạnh phúc. Đó là quả ngọt thứ hai của Nhàn cùng người chồng Ấn Độ tên Manbir Singh (33 tuổi).
Nhàn và chồng gặp nhau khi cả hai cùng đến một viện dưỡng lão thực tập. Tuy vậy, phải đến ngày cuối cùng của kỳ thực tập, Manbir mới bắt chuyện với Nhàn bằng câu hỏi bất ngờ.
Nhàn kể: “Trưa hôm đó, anh ấy đến bắt chuyện với tôi rồi hỏi: "Văn hóa nước bạn có cho phép một cô gái cưới người ngoại quốc không?”. Câu hỏi khiến tôi rất bất ngờ. Tuy vậy, tôi vẫn gật đầu, trả lời là có.
Về trường, chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau qua mạng xã hội. Đôi khi, chúng tôi không hẹn mà gặp ở trường, thư viện, ngoài đường phố…”.
Những cuộc gặp tình cờ khiến trái tim đôi trẻ thổn thức. Bốn tháng sau, Manbir mời bạn gái đi xem phim. Khi bộ phim kết thúc, Manbir tỏ tình. Nhận thấy chàng trai Ấn Độ là người chín chắn, có ý chí và thỏa mọi tiêu chí của mình, Nhàn đồng ý.
Tuy vậy, tình yêu đẹp của cả hai sớm vấp phải trắc trở. Họ bị gia đình ngăn cản vì khác biệt văn hóa, không cùng tôn giáo. Ở TP.HCM, khi biết con gái yêu chàng trai người Ấn, mẹ của Nhàn không yên tâm. Bà lo lắng những phong tục, tập quán, lễ nghi truyền thống của quốc gia này sẽ khiến con khổ.
Bố của Nhàn càng không muốn con yêu, kết hôn với Manbir vì cả hai khác biệt tôn giáo. “Gia đình tôi có đạo nên bố muốn tôi kết hôn với người cùng tôn giáo”, Nhàn kể.
Gia đình Manbir cũng không chấp nhận việc anh yêu cô gái Việt Nam. Bố của anh kịch liệt phản đối. Từng là giám đốc ngân hàng, có vợ sau là giáo viên về hưu, ông muốn con trai cưới người cùng quê, cùng tầng lớp.
Nhàn kể: “Ở Ấn Độ vẫn còn tình trạng hôn nhân sắp đặt. Anh trai của Manbir cũng lập gia đình theo kiểu hôn nhân như thế.
Theo phong tục của họ, con trai khi đến tuổi sẽ được bố mẹ chọn trước vợ cho mình. Trong lúc chúng tôi yêu nhau, bố mẹ của Manbir cũng hay gửi hồ sơ các cô gái họ đã chọn để anh hẹn hò”.
Hạnh phúc bất ngờ
Vì chuyện kết hôn, Manbir và Nhàn bị gia đình giận. Thậm chí, Manbir và bố không nói chuyện với nhau suốt 3 tháng liền. Ở Việt Nam, bố của Nhàn cũng “phạt” con gái bằng việc không thèm hỏi thăm cô suốt 1 tháng.
Những sóng gió ấy khiến Manbir và Nhàn đau khổ. Nhiều lúc, cả hai tưởng chừng phải buông tay. Thế nhưng, tình yêu quá lớn khiến họ cố gắng vượt qua. Cả hai tìm cách giải thích, thuyết phục 2 bên gia đình chấp thuận.
Cuối cùng, họ chiếm được tình cảm của bố mẹ hai bên gia đình. Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị kết hôn, chuyện khác biệt văn hóa một lần nữa trở thành rào cản, khiến Manbir và Nhàn gặp khó khăn.
Nhàn kể: “Lúc bàn chuyện đám cưới, gia đình hai bên tiếp tục gặp trục trặc vì phong tục, nghi lễ của nhà trai, nhà gái rất khác nhau. Bố của Manbir rất bất ngờ khi biết theo phong tục cưới xin của Việt Nam, nhà trai phải có của hồi môn cho nhà gái.
Bố tôi cũng ngỡ ngàng khi biết, nếu kết hôn với Manbir, tôi phải mang sính lễ đến hỏi cưới. Theo phong tục của Ấn Độ, khi kết hôn, cô dâu phải mua cho mỗi chị họ bên nhà trai một bộ chăn gối mới. Số tiền tôi cần chi cho sính lễ lên đến 8.000 USD (khoảng 190 triệu đồng)”.
Để giải quyết “nút thắt” này, Manbir tự bỏ tiền túi, gửi về nước nhờ người thân mua giúp sính lễ. Cuối cùng, cả hai vượt qua mọi rào cả, tổ chức đám cưới tại 3 quốc gia: Ấn Độ, Việt Nam và Australia.
Hiện, Thanh Nhàn và Manbir có được cuộc hôn nhân hạnh phúc. Mọi lo lắng về việc khác biệt văn hóa gần như được xóa bỏ. Nhàn không phải làm dâu, không trải qua những nghi thức, phong tục truyền thống hà khắc. Đặc biệt, cô còn được gia đình chồng yêu thương hết mực.
“Sau những khó khăn, bây giờ chúng tôi có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Chúng tôi được cha mẹ 2 bên yêu thương. Đặc biệt là mẹ chồng. Bà tâm lý và thương yêu tôi”, Thanh Nhàn chia sẻ.
Theo vietnamnet