Sumaira, một nạn nhân buôn người, cho phóng viên xem hình người chồng Trung Quốc. Cô bị nhiều gã đàn ông Trung Quốc cưỡng hiếp liên tục trong một căn nhà ở Islamabad sau đám cưới - Ảnh: AP

Những tuần gần đây, Cục Điều tra liên bang Pakistan đã bắt giữ ít nhất vài chục công dân Trung Quốc thuộc một mạng lưới tội phạm lớn. 

Những kẻ này chuyên dụ dỗ các gia đình Pakistan nghèo khó gả con gái cho đàn ông Trung Quốc để lấy tiền, nhưng thực tế chúng ép các cô gái đi bán dâm hoặc làm nô lệ.

Theo Hãng tin AP, hai nguồn tin từ cảnh sát Pakistan tiết lộ họ nhận được lệnh phải giữ im lặng về quy mô của đường dây buôn người vì chính quyền Islamabad sợ làm tổn thương đến quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

"Chúng tôi chỉ quan tâm làm sao ngăn chặn hoạt động buôn người. Xin đừng hiểu lầm, đây chỉ là buôn người. Chúng tôi nhận định phần lớn nạn nhân bị bán làm gái mại dâm" - một nguồn tin giấu tên tiết lộ.

Địa ngục trần gian

Phóng viên AP đã tiếp xúc với 7 cô gái bị ép lấy chồng Trung Quốc, trong đó 4 người vẫn còn đang kẹt ở Trung Quốc. Tất cả đều mô tả cùng một nỗi khổ cực và nhục nhã khi bị "ông chồng" bán cho người lạ cưỡng hiếp.

"Tôi sống như trong địa ngục, chỉ biết khóc thầm, chỉ biết cầu nguyện ai đó đến giải thoát" - cô dâu 20 tuổi Natasha Masih thổn thức. 

Cô bị người chồng Trung Quốc nhốt trong một khách sạn ở thành phố Urumqi thuộc vùng Tân Cương hẻo lánh.

Natasha bị gia đình gả bán đi hồi tháng 11 năm ngoái, cô rời nhà ở Faisalabad để cùng chồng về Trung Quốc. 

Công dân Trung Quốc thuộc đường dây buôn người bị cảnh sát Pakistan bắt giữ ngày 10-6 - Ảnh: AP

Ban đầu, gã đàn ông đưa cô đến một căn nhà nhỏ lọt thỏm trong một khu vực rậm rạp, trong nhà có 3 nam và 2 nữ sống chung.

Gã chồng không mất nhiều thời gian để bộc lộ bản chất, ép vợ mới cưới quan hệ với mấy tay đàn ông chung nhà. Sau đó hắn mang cô đến một khách sạn rồi nhốt ở đó để tiếp khách. 

"Tôi mua cô ở Pakistan. Cô thuộc về tôi. Cô là tài sản của tôi" - hắn lên giọng.

Natasha gọi điện về nhà cho cha mẹ trong sự hốt hoảng. May mắn một người quen của gia đình có em trai là sinh viên đang học ở Trung Quốc. 

Anh này bèn giả vờ làm khách hàng, bắt chiếc taxi đến trước khách sạn và bắn tín hiệu để Natasha trốn ra ngoài.

"Tôi nhìn thấy anh ấy, tôi nhanh chóng vớ đồ đạc và leo lên chiếc taxi. Tôi không hỏi tên anh ấy. Tôi không hỏi gì hết, tôi chỉ nói: Cảm ơn, người anh em" - Natasha nhớ lại. 

Bắc Kinh chối bỏ trách nhiệm

Pakistan trở thành bãi đáp cho các tay môi giới hôn nhân Trung Quốc từ năm ngoái. Các nhà hoạt động ước tính khoảng 1.000 cô gái đã bị gả bán cho đàn ông Trung Quốc, hầu hết họ xuất thân từ cộng đồng Công giáo nghèo khó của Pakistan.

Ở Pakistan, theo điều tra của truyền thông, một số linh mục biến chất thậm chí còn nhận tiền để dụ dỗ giáo dân của mình cho các tay môi giới Trung Quốc. 

Một khi đã đặt chân lên xứ người, các cô gái bị ép lấy chồng chỉ có một thân một mình, dễ dàng trở thành nạn nhân nếu không may rơi vào tay kẻ xấu.

Ấy vậy mà phát biểu trên truyền hình địa phương, đại sứ Trung Quốc tại Pakistan Sun Weidong chối bỏ sự thật rằng nhiều phụ nữ Pakistan bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm. 

Chủ đề này cũng không được Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn nhắc tới trong chuyến thăm Pakistan tháng này. Khi bị truyền thông Pakistan chất vấn, ông Vương cũng thẳng thừng bác bỏ.

"Trung Quốc chối bỏ, nhưng chúng tôi đang trưng ra bằng chứng" - ông Saleem Iqbal, một nhà hoạt động Công giáo chuyên giúp đỡ các cô gái bị bán sang Trung Quốc, nhấn mạnh.

Cũng theo Hãng tin AP, hai nguồn tin cảnh sát cho biết một trong những đường dây buôn người bị cảnh sát Pakistan vừa triệt phá ở thành phố Lahore đã hoạt động được ít nhất 1 năm. Chúng được bảo vệ bởi những tay cảnh sát tham nhũng và con trai của một cựu quan chức cảnh sát cao cấp.

Một phụ nữ tên Sumaira kể lại rằng các anh trai của cô nhận tiền từ người môi giới và ép cô lấy chồng hồi tháng 7 năm ngoái. 

Gã chồng đưa cô đến một căn nhà ở thủ đô Islamabad (Pakistan). Tại đó cô bị cưỡng hiếp mỗi đêm bởi vô số đàn ông Trung Quốc trong suốt 1 tuần. 

Sumaira phải trốn và bỏ chạy khỏi chính gia đình mình để thoát thân.

"Tôi từng là một con người rất khác. Tôi từng sống có hi vọng. Tôi tin vào tương lai. Còn bây giờ tôi không biết gì nữa" - Sumaira thất thần khi tiếp xúc với phóng viên.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                Theo Tuổi Trẻ